Đà Nẵng: "Nhân tài" thua kiện vì… bỏ cuộc nửa chừng

TP Đà Nẵng chi ngân sách hàng chục tỉ đồng để cử các học viên đi học nước ngoài nhưng học xong họ không trở về làm việc cho TP như cam kết ban đầu. Vì vậy, TP này kiện đòi bồi thường hàng chục tỉ đồng.

TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) hôm 28/9. Tòa tuyên buộc anh Hồ Viết Luận (học viên diện Đề án 922) phải bồi thường gần 2,7 tỉ đồng cho TP vì vi phạm hợp đồng.

Cùng ngày, Tòa này cũng tuyên buộc một học viên khác thuộc đề án là Huỳnh Thị Thanh Trà phải bồi thường cho TP hơn 3 tỉ đồng.

Trước đó, hai học viên khác là Nguyễn Như Quốc Trung và Nguyễn Như Đức Trung bị tòa tuyên phải bồi thường kinh phí cho ngân sách TP hơn 1,2 tỉ đồng.

Học xong xin ở lại để… học tiếp

Theo hồ sơ, năm 2010, anh Luận được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tham gia Đề án 922 với ngành học là kỹ sư xây dựng dân dụng và môi trường tại Trường ĐH Nottingham (Vương quốc Anh). Trong thời gian học bốn năm tại đây, anh Luận đã nhận kinh phí từ ngân sách TP gần 2,7 tỉ đồng.

Đà Nẵng: "Nhân tài" thua kiện vì… bỏ cuộc nửa chừng - 1

Theo nội dung hợp đồng hai bên ký kết, sau khi tốt nghiệp anh Luận phải trở về làm việc cho cơ quan nhà nước tại TP Đà Nẵng từ bảy năm trở lên. Nếu vi phạm hợp đồng thì anh Luận cùng với gia đình phải bồi thường gấp năm lần kinh phí TP chu cấp.

Tuy nhiên, sau khi đã tốt nghiệp, anh Luận đề nghị được ở lại Anh học lên tiến sĩ với kinh phí tự túc nhưng Trung tâm không đồng ý. Phía Trung tâm cho rằng đã nhiều lần yêu cầu anh Luận về trình diện để TP bố trí công tác như cam kết nhưng người này vẫn không thực hiện. Do đó, Trung tâm khởi kiện ra tòa đòi anh Luận bồi thường 100% kinh phí đã cấp.

Tương tự, trường hợp Huỳnh Thị Thanh Trà cũng được cử đi học tại ĐH quốc tế Tây Mỹ (Mỹ) bằng nguồn kinh phí của TP Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp, chị Trà lại xin học tiếp bằng nguồn kinh phí tự túc và được TP Đà Nẵng chấp nhận cho kéo dài thêm hai năm.

Hết hai năm này, chị Trà vẫn không chịu về nước để làm việc mà xin ở lại Mỹ làm việc ba năm nữa. Không chấp nhận sự kéo dài này, TP Đà Nẵng mới khởi kiện.

Và định cư luôn ở nước ngoài

Hai anh em sinh đôi Quốc Trung và Đức Trung được UBND TP Đà Nẵng cử đi học kỹ sư ngành điện tử viễn thông tại ĐH Công nghệ Troyes (UTT) Cộng hòa Pháp. Thời gian đào tạo theo quy định là năm năm, bắt đầu từ năm 2009. Tổng kinh phí TP cấp cho mỗi học viên là hơn 1,2 tỉ đồng/người.

Theo Trung tâm, toàn bộ kinh phí được chuyển cho hai học viên này thông qua cha đẻ là ông Nguyễn Như Minh (ngụ đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, tp Đà Nẵng). Riêng năm học thứ năm là chuyển trực tiếp cho hai học viên thông qua tài khoản đứng tên hai học viên này.

Trong quá trình học tập, cả hai học viên thực hiện đúng theo cam kết của hợp đồng về việc cung cấp thông tin cá nhân khi đang theo học tại Pháp, gửi báo cáo kết quả học tập định kỳ.

Đến ngày 25/1/2014, cả hai học viên này bất ngờ gửi đơn xin rút khỏi đề án. Theo nội dung đơn, Đức Trung và Quốc Trung cùng có dự định sẽ kết hôn và định cư tại Pháp, đồng thời tiếp tục học lên tiến sĩ. Do đó, Trung có nguyện vọng xin rút khỏi đề án và bồi thường gấp hai lần kinh phí đã nhận và thời gian bồi thường trong vòng hai năm.

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu hai học viên này bồi hoàn kinh phí do vi phạm hợp đồng. Theo đó, cả hai học viên này phải có nghĩa vụ liên đới cùng với cha mẹ bồi hoàn toàn bộ kinh phí đã nhận tương ứng mỗi học viên là hơn 1,2 tỉ đồng, thời hạn nộp trước ngày 30-11-2014.

Phía gia đình của hai học viên đã ba lần nộp tiền cho Trung tâm, tổng số tiền 782 triệu đồng (mỗi học viên nộp 391 triệu đồng). Sau đó Trung tâm nhiều lần nhắc nhở nộp đủ số tiền như cam kết nhưng không được nên khởi kiện ra tòa.

“Cực chẳng đã mới phải kiện ra tòa…”

Trong cả bốn vụ kiện nói trên, TAND TP Đà Nẵng đều tuyên buộc các học viên thuộc Đề án 922 vi phạm hợp đồng phải bồi thường toàn bộ số tiền chi phí mấy năm ăn học mà TP đã cấp cho họ. Tổng số tiền bồi thường này lên đến hàng tỉ đồng.

Theo đại diện Trung tâm, hiện TP Đà Nẵng đã có những quy định rõ ràng về các hình thức vi phạm và mức bồi hoàn kinh phí tương ứng. Riêng đối với những trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 10-12-2013 (thời điểm Nghị định 143 quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo có hiệu lực thi hành) thì một số học viên được được chỉnh mức bồi hoàn từ năm lần xuống hai lần.

Sau mốc thời gian trên thì mức bồi hoàn là một lần. Điều này thể hiện sự thiện chí của TP cũng như nhằm đảm bảo tính khả thi trong công tác thu hồi ngân sách - đại diện Trung tâm cho biết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm cho biết: “TP luôn mong muốn các học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ trở về phục vụ cho TP. Việc khởi kiện các học viên vi phạm ra tòa là bất khả kháng, để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước”.

Cũng theo ông Chiến, ngoài việc khởi kiện ra tòa, Trung tâm cũng sẽ phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài có các biện pháp hạn chế việc gia hạn thị thực đối với các học viên có dấu hiệu vi phạm.

Đối với những trường hợp vi phạm, Trung tâm sẽ phối hợp với TAND TP, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiến hành các thủ tục chặn xuất cảnh đối với học viên và đại diện gia đình đứng tên ký hợp đồng.

15 học viên bị “níu áo”

- Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã nộp 15 đơn khởi kiện “nhân tài” lên TAND các cấp. Trong đó có 14 vụ tại TAND TP Đà Nẵng và một vụ tại TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng). Tòa đã thụ lý tất cả vụ kiện nói trên.

- Trong số 630 học viên được cử đi học theo Đề án 922 thì có 67 trường hợp vi phạm. Cụ thể, có 20 học viên không đạt kết quả học tập như cam kết (phải đạt học lực khá trở lên), trường hợp này phải bồi thường 50% chi phí đào tạo; 27 học viên xin ra khỏi đề án; 15 học viên không chịu trở về nước (định cư ở nước ngoài); bốn người đang làm việc tại Đà Nẵng nhưng bỏ giữa chừng và một học viên không nhận việc.

Theo Báo Pháp luật TPHCM