1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cuộc sống khốn đốn của người lao động Philippines trong đại dịch Covid-19

Jeepney là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất tại Philippines. Trên đường phố, những chiếc jeepney đông đúc, được trang trí rực rỡ từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của quốc gia này.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những “nạn nhân” đầu tiên của đại dịch Covid-19.

Theo hãng tin AP, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của chính phủ đã đẩy những “ông vua đường phố” và hàng nghìn người lao động kiếm kế sinh nhai từ việc lái xe vào cảnh khốn đốn.

Cuộc sống khốn đốn của người lao động Philippines trong đại dịch Covid-19 - 1

Tại Philippines, những biện pháp phòng dịch được ban bố từ 3 tháng trước khiến hầu hết các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm cả những chiếc jeepney phải “nằm im” trên phố.

Nhiều lái xe mất việc phải đi ăn xin trên đường phố để sinh sống qua ngày. Họ mang những tấm bìa kêu gọi các nhà hảo tâm trợ giúp tiền và thức ăn, đặt trên những chiếc xe của mình.

Cuộc sống khốn đốn của người lao động Philippines trong đại dịch Covid-19 - 2

Tấm biển kêu gọi giúp đỡ được đặt trước bến xe jeepney Tandang Sora. Ảnh: AP 

Cuộc sống khốn đốn của người lao động Philippines trong đại dịch Covid-19 - 3

Ông Arthur Vinluan, 62 tuổi, ngồi trên xe jeepney bên cạnh tấm biển ghi dòng chữ "Xin lỗi chúng tôi chưa hoạt động" tại bến xe Tandang Sora. Ảnh: AP 

Cuộc sống khốn đốn của người lao động Philippines trong đại dịch Covid-19 - 4

Một người lái xe jeepney được tặng đồ ăn cứu trợ. Ảnh: AP
 

Từng là một nơi đón khách vô cùng nhộn nhịp, bến xe Tandang Sora, nằm ở ngoại ô thành phố Quezon được biến thành nơi sinh sống của khoảng 35 tài xế xe jeepney. 

Những con người khốn khổ chen chúc nấu ăn trong khoang chở khách, dành một không gian nhỏ để phơi quần áo, sạc điện thoại và đặt 1 chiếc quạt để chống lại cái nóng gay gắt của khí hậu nhiệt đới. Những chiếc xe chật chội giờ đây trở thành nơi trú ẩn của họ trong nhiều tháng.

Cuộc sống khốn đốn của người lao động Philippines trong đại dịch Covid-19 - 5

Lái xe Michael Navarra nấu cơm trên bếp ga di động bên trong một chiếc xe jeepney. Ảnh: AP

 

“Hiện tại, chúng tôi không có thu nhập. Chúng tôi không thể nuôi con mình. Tôi hy vọng chúng tôi được phép hoạt động trở lại”, Jude Recio, một tài xế có 3 đứa con nhỏ, cho biết.

Ngay trước khi đại dịch bùng phát, Chính phủ Philippines đã đề xuất chương trình hiện đại hóa giao thông công cộng, loại bỏ các phương tiện cũ kĩ, và xe jeepney đứng trước mối đe dọa khó có thể tồn tại.

Những chiếc xe chạy bằng động cơ diesel phổ biến trong tầng lớp lao động, thường thải ra khói đen, được cho là nguyên nhân gây không khí ô nhiễm nặng nề tại thủ đô Manila.

Xe jeepney được cải tiến từ những chiếc xe jeep của quân đội Mỹ để lại sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sau đó chúng được sửa sang lại và sao chép, nhiều phương tiện được chế tạo dựa trên khung gầm của những chiếc xe tải cũ.

Trong nhiều thập kỷ, jeepney là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất, mang đặc trưng văn hóa Philippines.

Cuộc sống khốn đốn của người lao động Philippines trong đại dịch Covid-19 - 6

Một người lái xe jeepney uống cà phê bên cạnh chiếc xe của mình tại bến Tandang Sora. Ảnh: AP

Trong tháng này, chính phủ Philippines đã nới lỏng lệnh phong tỏa để mở cửa lại nền kinh tế đang đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Các biện pháp nới lỏng cho phép những phương tiện chở khách quay lại hoạt động dưới các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, những chiếc xe jeepney truyền thống vẫn chưa được phép hoạt động.

Những người lái xe trong bến đón khách Tandang Sora đã bắt đầu chỉnh trang lại những chiếc jeepney của mình với hy vọng có thể sớm quay lại làm việc. Tuy nhiên, nhiều lo ngại cho rằng ngay cả khi lái xe và jeepney tồn tại được sau đại dịch, chính sách hiện đại hóa của chính phủ sẽ khiến công việc này mất đi.

Cuộc sống khốn đốn của người lao động Philippines trong đại dịch Covid-19 - 7

Chiếc xe jeepney trở thành nơi ở của bé Yuna Recio, 7 tuổi, và gia đình em. Ảnh: AP

“Chính phủ nên cân nhắc việc thực hiện chính sách này vì chúng tôi không thể mua những chiếc xe jeep mới. Rất nhiều người sẽ bị mất việc”, anh Recio nói.

Chỉ trong ngày 23/6, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 1.150 ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia này. Đây cũng là mức tăng trong ngày cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Philippines.

Tính đến ngày 24/6, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 31.825 trường hợp và 1.186 ca tử vong. Philippines là một trong những quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực ASEAN.

Theo Hải Vân

Baotintuc.vn