1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cục Quản lý lao động thông tin về vụ thực tập sinh tử vong tại Nhật Bản

(Dân trí) - Liên quan tới trường hợp thực tập sinh Võ Hồng Sáng (sinh năm 1995, quê Hà Tĩnh) tử vong hôm 2/8 tại Nhật Bản, chiều 4/8, ông Vũ Trường Giang - Trưởng phòng Nhật Bản & Châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH) đã trao đổi thêm thông tin với PV Dân trí.


Thực tập sinh Võ Hồng Sáng (ảnh: Gia đình cung cấp)

Thực tập sinh Võ Hồng Sáng (ảnh: Gia đình cung cấp)

Theo ông Vũ Trường Giang, thực tập sinh Võ Hồng Sáng (sinh năm 1995, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch đưa sang thực tập tại công ty Good Belief, nghiệp đoàn IHD, thành phố Sojia (tỉnh Okayama, Nhật Bản) từ ngày 7/12/2016.

Tới ngày 2/8/2017, thực tập sinh Võ Hồng Sáng được nghỉ làm. Buổi chiều cùng ngày, thực tập sinh Võ Hồng Sáng cùng với một người bạn tên là Phan Công Thương (cùng thực tập) đi ra sông Takahashi để bơi.

Do khu vực này nước sông chảy siết, nguy hiểm nên thực tập sinh Võ Hồng Sáng đã bị đuối nước (lúc 17h30 giờ Nhật Bản). Nghiệp đoàn sau khi nhận được thông tin đã báo cảnh sát địa phương và cứu hộ tìm kiếm.

Đến sáng ngày hôm sau 3/8 mới tìm thấy thi thể của thực tập sinh Võ Hồng Sáng.

Theo ông Vũ Trường Giang, sau khi nhận được thông tin của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo Ban Quản lý liên lạc với nghiệp đoàn IHD để hướng dẫn các thủ tục cần thiết để hỗ trợ đưa thi thể thực tập sinh Võ Hồng Sáng về nước, yêu cầu nghiệp đoàn giải quyết các quyền lợi của thực tập sinh theo quy định.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc chi phí bồi thường cho trường hợp thực tập sinh Võ Hồng Sáng, ông Vũ Trường Giang cho biết: Theo báo cáo của phía Nhật Bản và bạn cùng bơi với Võ Hồng Sáng, thời gian tử vong không nằm trong giờ làm việc và tại nơi làm việc. “Do đó trường hợp nhận được hỗ trợ trực tiếp từ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động do phía Nhật Bản chi trả sẽ rất khó”.

Cũng theo ông Vũ Trường Giang, Cục Quản lý lao động đã có văn bản chỉ đạo doanh nghiệp khẩn trương cử cán bộ phối hợp với Ban quản lý lao động VN tại Nhật Bản và Nghiệp đoàn IHD để hỗ trợ gia đình thực tập sinh giải quyết.

“Cục đã trao đổi với phía công ty phái cử thực tập sinh hỗ trợ tìm mọi cách trong khả năng để hỗ trợ gia đình nạn nhân sang Nhật Bản và đưa thi hài nạn nhân về. Trước hết, Cục đã đề nghị Công ty chi trả kinh phí mua vé máy bay và ăn ở cho thân nhân gia đình từ VN sang Nhật Bản” - ông Vũ Trường Giang nói.

Ông Vũ Trường Giang cũng cho biết, chi phí đưa thi hài từ Nhật Bản về VN rất tốn kém, có thể lên tới hàng chục ngàn đô la. Trong khi đó, theo quy định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, trường hợp lao động được phái cử ra nước ngoài bị chết chỉ nhận được hỗ trợ tối đa 10.000.000 đồng.

“Theo báo cáo nhanh của Cty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch, Công ty này đang hỗ trợ gia đình thực tập sinh Võ Hồng Sáng làm các thủ tục cần thiết để sang Nhật Bản làm thủ tục đưa thực tập sinh về nước.

Dự kiến gia đình người bị nạn sẽ cử ông Võ Hồng Khởi (bố đẻ thực tập sinh Võ Hồng Sáng) và anh rể là Dương Văn Quyền cùng bà Đặng Minh Tuyết - Giám đốc chi nhánh TP HCM của Công ty và bà Lê Thị Hồng Nga (Phiên dịch) sang Nhật Bản trong thời gian sớm nhất có thể.

Hiện tại thời gian nhập cảnh Nhật Bản phụ thuộc vào việc xin cấp hộ chiếu, VISA của thân nhân thực tập sinh Võ Hồng Sáng” - ông Vũ Trường Giang cho biết.

Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan…

Hoàng Mạnh

3.701 lao động đạt yêu cầu trong kỳ thi tiếng Hàn

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố kết quả kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức hôm 17-18/6 dành cho lao động VN đi làm việc theo chương trình EPS tại Hàn Quốc.

Cục Quản lý lao động thông tin về vụ thực tập sinh tử vong tại Nhật Bản - 2

Theo đó, trong số 3.701 lao động đạt yêu cầu của kỳ thi gồm có: 1.531 người đạt yêu cầu để đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành sản xuất chế tạo, 548 người đạt yêu cầu trong ngành xây dựng và 1.622 đạt yêu cầu trong ngành ngư nghiệp.

Riêng đối với nhóm lao động thuộc nhóm ngư nghiệp nêu trên sẽ phải tham dự kiểm tra tay nghề vào tháng 10/2017.

Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đợt thi tiếng Hàn trên máy tính ngành Nông nghiệp tổ chức sẽ được tổ chức vào đầu tháng 8/2017. Trước đó, ngày 17 và 18/6/2017, Kỳ thi tiếng Hàn cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và ngư nghiệp đã được tổ chức. Trong tổng số 16.816 thí sinh đăng ký dự thi đã có 15.047 thí sinh dự thi và 1.769 thí sinh vắng mặt. Tại kỳ thi, Đoàn giám sát, giám thị của Việt Nam đã phối hợp với cán bộ của Hàn Quốc phát hiện, ngăn chặn và xử lý lập biên bản, đình chỉ thi đối với 81 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi (không nghiêm túc khi làm bài; thi hộ; sử dụng điện thoại; chuyển hộ khẩu). Tỷ lệ vi phạm này (0,5%) đã giảm đáng kể so với tỷ lệ vi phạm của các kỳ thi tiếng Hàn trước.

H.M

Hơn 11.500 lao động xuất cảnh, hỗ trợ ngư dân bị sự cố Fomosa đi XKLĐ

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 7 là 11.525 lao động, đạt 98 % so với cùng kỳ năm 2016. Cũng trong tháng 7, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường biển khi đi XKLĐ.

Cục Quản lý lao động thông tin về vụ thực tập sinh tử vong tại Nhật Bản - 3

Thống kê của Cục Quản lý lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, trong số hơn 11.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thị trường Đài Loan thu hút hơn hàng đầu với 6.400 người, Nhật Bản: 4.534 người, Ả rập - Xê út: 246 người. Một số thị trường khác thu hút dưới 100 người trong tháng 7, như: Hàn Quốc: 76 người, Malaysia: 94 người, UAE: 45 người và các thị trường khác. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 7 đạt 98,97% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, qua 7 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 68.949 lao động đạt 65,66% kế hoạch năm 2017. Nhóm 3 thị trường lao động hàng đầu thu hút lao động VN qua 7 tháng gồm: Đài Loan với 33.865 lao động, Nhật Bản: 27.743 lao động, Hàn Quốc: 3.195 lao động. Cũng trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn 2687/LĐTBXH-VL hướng dẫn hỗ trợ người lao động bị thiệt hại do sự cố môi trường biển thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

V.K