1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công ty cho nghỉ Tết dài hơn thời gian quy định có trái luật?

Theo phản ánh của bà Phùng Lệ Trưng (Nha Trang), Công ty bà quyết định cho người lao động nghỉ Tết âm lịch 6 ngày hưởng nguyên lương, nhiều hơn 1 ngày so với quy định và thỏa thuận tại HĐLĐ, mà không trừ 1 ngày nghỉ đó vào ngày nghỉ phép hàng năm.

Trường hợp người lao động nào đi làm trong 6 ngày nghỉ tết, được trả lương làm thêm giờ 300% (hoặc 1 ngày làm việc thì được sắp xếp nghỉ bù 3 ngày không liên tục).

Bà Trưng hỏi, Công ty thực hiện chế độ có lợi hơn cho người lao động như trên thì có trái luật không?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Hiện nay, Bộ luật Lao động 2012 (tình trạng còn hiệu lực) quy định chính sách của Nhà nước là: Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động (Khoản 1 Điều 4).

Kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành, các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, những thỏa thuận hợp pháp khác đã giao kết và những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Bộ luật này được tiếp tục thực hiện (Điểm a, Khoản 2, Điều 240). Bộ luật Lao động 2012 sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/1/2021.

Ngày 20/11/2019, Quốc hội Khóa 14, đã ban hành Bộ luật Lao động 2019. Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Tại Khoản 1, Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định chính sách của Nhà nước về lao động là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Khoản 2, Điều 220 Luật này quy định, kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận hợp pháp đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Bộ luật này được tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp và để áp dụng quy định của Bộ luật này.

Như vậy, chính sách của Nhà nước là khuyến khích người sử dụng lao động thỏa thuận, bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn, có lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp bà Phùng Lệ Trưng phản ánh, Công ty quyết định cho người lao động nghỉ Tết âm lịch 6 ngày hưởng nguyên lương, nhiều hơn 1 ngày so với quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 115 Bộ Luật lao động 2012 và thỏa thuận tại hợp đồng lao động, mà không trừ 1 ngày nghỉ đó vào ngày nghỉ phép hàng năm. Trường hợp người lao động nào đi làm trong 6 ngày nghỉ tết, được trả lương làm thêm giờ 300% theo quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012.

Quyết định nêu trên của Công ty là có lợi hơn cho người lao động, được nhà nước khuyến khích thực hiện, không trái pháp luật.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.