1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công nhân làm việc trong cái nóng đổ lửa

Mấy ngày hôm nay, Hà Nội và một số thành phố ở phía Bắc đang chìm trong “lò lửa” do nắng nóng gay gắt, nhiều nơi lên tới ngưỡng 400C. Ngay từ sáng sớm, nhiệt độ ngoài trời đã tăng lên rất cao, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của những công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp.

Công nhân đang khẩn trương xây kè sông giữa trời nắng tại xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: NGUYỄN NGA
Công nhân đang khẩn trương xây kè sông giữa trời nắng tại xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: NGUYỄN NGA

Nhọc nhằn

Chúng tôi gặp anh Trần Đăng Hiệp (SN 1992, quê Hà Nam, đang làm việc tại KCN An Xá, Nam Định) khi anh vừa kết thúc ca làm việc. Hỏi anh về nắng nóng, anh lắc đầu: “Mới đầu hè mà chúng tôi có lúc tưởng chừng chịu không nổi. Nhà xưởng nơi tôi làm việc không khác gì lò nung. Lúc nào tôi cũng cảm giác cái nóng hầm hập bao trùm, thiếu không khí, rất khó thở”.

Theo anh Hiệp, tầm 9h là nhà xưởng bắt đầu oi nóng, và đỉnh điểm là đầu giờ chiều. Nắng nóng khiến anh và nhiều đồng nghiệp không thể tập trung làm việc. “Ngày thường đi làm đã mệt lắm rồi, giờ lại thêm nắng nóng, cái mệt lại gấp đôi. Hơn nữa, khi xong việc, lại phải chịu cái nóng trong phòng trọ bé tí. Trời nóng khiến cả đêm trằn trọc, không thể ngủ ngon được. Sáng hôm sau, dù người vẫn mệt mỏi thì vẫn phải đi làm”.

Chị Vũ Thị Phi (34 tuổi, đang làm việc tại Cty TNHH Sunrise Spinning, KCN Bảo Minh, Nam Định) thì phàn nàn: “Những ngày nóng làm tôi sợ. Cả ngày đứng chạy chuyền, mồ hôi cứ vã ra như tắm. Nóng và mệt. Quạt trong nhà xưởng cũng không “ăn thua” với thời tiết. Giờ nghỉ trưa, ngồi ăn cơm trong Cty mà hơi nóng cứ phả vào mặt, khiến tôi cũng chả nuốt nổi cơm. Một ngày tốn không biết bao là nước. Công việc không mệt bằng cái nóng nó làm mình mệt. Tôi đã phải làm ướt cái khăn để đội lên đầu cho nó mát. Thế mà được dăm phút chiếc khăn đã khô, hết tác dụng. Nắng cứ kéo dài tôi sợ mình không đủ sức để đi làm mất”.

Trời nóng đã làm nhiều CN phải ngã bệnh. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hoa (quê Ý Yên, đang làm việc tại Cty may Young One) khi chị đang nằm giường với chiếc khăn ướt trên trán, đống vỏ thuốc trên bàn. Với nét mặt mệt mỏi, bơ phờ, chị Hoa than thở: “Tôi nghỉ làm hôm nay vì ốm. Hôm qua ngồi trong xưởng làm việc mà đầu tôi đau, cả người cứ “lơ tơ mơ”, không chịu được nữa nên phải xin về sớm. Mấy ngày nay nắng nóng, mà tôi phải tăng ca, nên có lẽ mệt quá, không trụ được. Ở nhà thế này cũng nóng không kém, nhưng tôi không đủ sức đi làm nữa, đầu hàng.

Và sự quan tâm của công đoàn

Trước tình hình nắng nóng, nhiều Cty và CĐCS đã có những cách làm để giảm thiểu tác hại tới CNLĐ. Cty Ximăng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có 1.500 CNLĐ trực tiếp, trong đó, có khoảng 250-350 người làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao. Trong điều kiện bình thường, với đặc thù công việc, đây là công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ).

Dưới trời nắng nóng, TNLĐ lại càng có nguy cơ xảy ra cao hơn. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho CNLĐ làm việc dưới trời nắng nóng rất được Cty và CĐ Cty quan tâm. Ông Trần Đoàn Viên - Chủ tịch CĐ Cty - cho biết, đối với những CNLĐ phải làm việc trực tiếp dưới trời nắng nóng, nhiệt độ cao như CN khai thác mỏ đá, CN lò nung…

CĐCS Cty đã đôn đốc các đơn vị tăng cường bổ sung nước giải khát, bột pha nước uống bù nước và chất điện giải cho CN. Bên cạnh đó, Cty còn tăng khoản tiền bồi dưỡng chống nắng cho anh em CN ở mức 15.000 đồng/người/buổi. Khoản tiền này được lấy từ nguồn quỹ phúc lợi của Cty.

Vẫn theo ông Trần Đoàn Viên, bên cạnh đó, Cty còn trang bị công cụ BHLĐ cho CN khác với ngày thường, ví dụ mũ bảo hiểm được cải tiến để có diềm che rộng hơn, tránh nắng tốt hơn cho CN. CĐCS Cty cũng đôn đốc bộ phận y tế cần quan tâm sâu sát hơn ngày thường, kịp thời chữa trị nếu có vụ việc CN bị ngất, kiệt sức do nắng nóng; tăng cường tần suất kiểm tra để đề phòng CN bị say nắng…

Theo phòng Bảo hộ lao động (Ban Quan hệ LĐ, Tổng LĐLĐVN), khi trời nắng nóng gay gắt, việc sắp xếp lại thời gian làm việc là rất quan trọng để tránh thời điểm nắng nóng nhất. Bên cạnh đó, cần trang bị lều tạm, chỗ nghỉ cho CN trú tránh nắng; trang bị quần áo BHLĐ cho CN với loại vải thấm mồ hôi tốt, thoáng; bố trí nước uống đầy đủ, bổ sung khoáng chất cho CN; tăng số lần nghỉ giải lao trong khi làm việc.

Theo Báo Lao động