1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công đoàn và Tòa án tại TPHCM: Phối hợp xử lý các vụ kiện BHXH

Tổ chức Công đoàn (CĐ) TPHCM và Tòa án nhân dân tại TPHCM sẽ phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động (NLĐ), đặc biệt là khởi kiện đòi quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đó là một phần trong chương trình phối hợp giai đoạn 2019 - 2020 giữa LĐLĐ TPHCM và Toà án Nhân dân TPHCM vừa được ký kết thực hiện.

Tổ chức Công đoàn (CĐ) TPHCM và Tòa án nhân dân tại TPHCM sẽ phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động (NLĐ), đặc biệt là khởi kiện đòi quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Đó là một phần trong chương trình phối hợp giai đoạn 2019 - 2020 giữa LĐLĐ TPHCM và Toà án Nhân dân TPHCM vừa được ký kết thực hiện.

Công đoàn nỗ lực nhưng vẫn còn gặp rào cản

Theo ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (LĐLĐ TP), thời gian qua Trung tâm đã vào cuộc hỗ trợ pháp lý cho rất nhiều NLĐ khởi kiện đòi quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều rào cản ở các cấp tòa.

Công đoàn và Tòa án tại TPHCM: Phối hợp xử lý các vụ kiện BHXH - 1

Đại diện LĐLĐ TP và Tòa án Nhân dân TP ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2019 - 2020. Ảnh: L.S
 

Đơn cử mỗi tòa án quận, huyện lại áp dụng quy định trình tự, thủ tục khác nhau. Thậm chí cùng khởi kiện một doanh nghiệp (DN), nhưng mỗi thẩm phán lại hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau khiến quá trình khởi kiện rất phức tạp.

Ông Nguyễn Hữu Chí - Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh - cho biết thêm, từ năm 2017 đến nay, LĐLĐ huyện Bình Chánh cũng khởi kiện 25 DN nợ kinh phí CĐ, kết quả đã có 19 DN thực hiện với số tiền gần 5,67 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Chí, nhiều vụ kiện đòi kinh phí CĐ hay BHXH, BHYT, chế độ tai nạn lao động cho NLĐ vẫn bị tòa kéo dài, một số tòa không áp dụng đầy đủ thời gian đưa vụ việc ra xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Đại LĐLĐ quận Bình Tân ví dụ thêm, năm 2018, CĐ đại diện khởi kiện cho 200 trường hợp NLĐ đòi quyền lợi tiền lương BHXH, BHYT. Tuy nhiên, có đến 7 thẩm phán được phân công phụ trách nên cách hiểu có phần khác nhau dù cùng một nội dung yêu cầu khiến vụ việc kéo dài gây bức xúc cho NLĐ.

Ông Triều kiến nghị, Tòa án TP cần thống nhất quy trình khởi kiện cho toàn hệ thống hoặc có những vụ án đơn giản, không quá phức tạp thì các thẩm phán thụ lý cần nghiên cứu theo hướng đơn giản hơn, không nên kéo dài quá và phải giảm bớt thủ tục máy móc.

Bên cạnh đó, các vụ án lao động thì nên mời cán bộ CĐ tham gia hội thẩm để tăng tính khách quan. Ngoài ra, hiện nay các vụ kiện lao động đòi lương, BHXH, BHYT toà yêu cầu đơn ủy quyền của NLĐ phải công chứng, mà mỗi tờ công chứng mất khoảng 100.000 đồng là chi phí rất tốn kém cho NLĐ. Toà nên cho NLĐ được chứng thực tại UBND các xã, phường thì đỡ chi phí cho NLĐ hơn.

Phòng ngừa hơn là khắc phục hậu quả

Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách Pháp luật (LĐLĐ TP), cho rằng, tổ chức CĐ đại diện khởi kiện sẽ khiến NLĐ tin tưởng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong một số mặt có liên quan đến trình tự tại tòa án.

Do đó, việc tổ chức CĐ và Tòa án Nhân dân thống nhất ban hành chương trình phối hợp là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ.

Theo chương trình phối hợp, phía CĐ sẽ chủ động cung cấp thông tin về tình hình quan hệ lao động và việc ban hành các quy định pháp luật về lao động, CĐ, BHXH, vệ sinh an toàn lao động; Tình hình tranh chấp lao động, đình công.

Ngành tòa án cũng cam kết sẽ thường xuyên cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật về phòng chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực này; Kết quả xét xử, giải quyết các vụ việc lao động liên quan…

Về những vướng mắc vừa qua, ông Lê Thanh Phong - Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP thẳng thắn nhìn nhận, pháp luật đã có đầy đủ quy định để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của NLĐ như tiền lương, chính sách BHXH, BHYT.

Ngoài ra, tổ chức CĐ cũng cần theo sát, giám sát chặt chẽ hơn từ phía DN vi phạm. Ví dụ, nếu thấy 2 - 3 tháng DN có biểu hiện nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT cho NLĐ, CĐ cần vào cuộc sớm, không đợi đến khi DN bỏ trốn mới khởi kiện thì quá muộn, không còn tài sản. Hoặc phía tổ chức CĐ phát hiện các DN không ký HĐLĐ, không đóng BHXH, BHYT cho NLĐ dù vẫn sử dụng lao động thường xuyên cần mạnh dạn báo công an xử lý...

Theo Lam Sơn/Báo Lao động