1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Con thoát khỏi cướp biển Somalia sau hơn 4 năm, cha mẹ già vui quên ngủ

(Dân trí) - Hơn 4 năm qua, kể từ khi anh Phương bị cướp biển Somalia bắt giữ và đòi tiền chuộc, có những lúc vợ chồng ông Linh tưởng không còn hi vọng. Hay tin con trai cùng các thuyền viên khác được toán cướp thả tự do, ông bà vui đến quên ngủ, chờ giây phút đoàn viên.


Ông Phan Xuân Linh và vợ vui mừng đến mất ngủ khi hay tin con trai cùng các bạn thuyền được cướp biển Somalia thả tự do sau hơn 4 năm bị bắt giữ.

Ông Phan Xuân Linh và vợ vui mừng đến mất ngủ khi hay tin con trai cùng các bạn thuyền được cướp biển Somalia thả tự do sau hơn 4 năm bị bắt giữ.

Ngày 22/10/2016, ông Phan Xuân Linh (SN 1945, trú tại xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) nhận được thông tin, toán cướp biển Somalia đã thả tự do cho 26 thuyền viên Châu Á, trong đó có con trai ông - Phan Xuân Phương - bị chúng bắt giữ trên biển Ấn Độ Dương để đòi tiền chuộc từ năm 2012.

“Hơn 4 năm qua, chúng tôi luôn phải sống trong lo âu, sợ hãi, sợ điều bất trắc cho thể xảy ra với con mình. Giờ thì có thể thở phào được rồi, con tôi sống rồi. Hai đêm nay, vợ chồng chúng tôi không ngủ được, mong ngóng sớm được đoàn tụ với thằng Phương”, ông Linh xúc động.

Từ khi biết tin tốt lành này, hàng xóm tập trung đến chúc mừng chật cả căn nhà nhỏ.

Năm 2011, anh Phan Xuân Phương (SN 1989, con thứ 3 của ông Linh) đi xuất khẩu lao động tại Malaysia. Công việc của Phương là làm thuyền viên trên tàu câu cá ngừ với mức lương 300 USD/tháng.

Công việc suốt ngày lênh đênh trên biển nên Phương chỉ gọi được về gia đình 2 lần khi tàu cập đất liền. Cú điện thoại thứ 3 của anh Phương gọi về nhà là vào khoảng tháng 5/2012.

Ông Linh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cú điện thoại lúc nửa đêm ấy: “Trong điện thoại, giọng thằng Phương hoảng hốt. Nó bảo tàu bị cướp biển bắt. Thuyền trưởng bị cướp bắn chết rồi, còn nó với các thuyền viên khác thì đang bị xích. Bọn cướp đòi 60.000 USD tiền chuộc mới thả người, nếu không nộp tiền chuộc chúng sẽ giết chết các thuyền viên”.


Công văn thông báo của công ty về việc ngừng trả lương cho anh Phương kể tháng 4/2013, sau hơn 1 năm các thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt giữ khiến ông Linh có những lúc mất hi vọng đoàn tụ với con trai.

Công văn thông báo của công ty về việc ngừng trả lương cho anh Phương kể tháng 4/2013, sau hơn 1 năm các thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt giữ khiến ông Linh có những lúc mất hi vọng đoàn tụ với con trai.

Sau đó anh Phương có gọi về nhà 2 lần nữa rồi mất liên lạc từ cuối năm 2012 tới nay.

Nghe tin con bị cướp biển bắt giữ, bà Lê Thị Hòa (SN 1957) ngất xỉu. Hai năm nay bà Hòa phải nằm liệt giường do bị tai biến. Ông Linh nhiều lần lặn lội ra công ty xuất khẩu lao động và tìm đến các cơ quan chức năng cầu cứu. Phía công ty xuất khẩu cho biết đang thương lượng với bọn cướp để cứu các thuyền viên. Đến tháng 7/2013, gia đình nhận được thông báo của công ty xuất khẩu lao động cho biết, phía chủ tàu ngừng trả lương cho thuyền viên kể từ tháng 4/2013.

“Sau khi nhận được thông báo này, đã có lúc tôi mất hết hi vọng. Nhiều đêm không ngủ được vì không biết tính mạng con như thế nào trong tay bọn cướp biển. Giờ thì vui quá cũng không ngủ được. Nghe bảo thằng Phương đã được đưa đến thủ đô Somalia, đang được làm thủ tục cần thiết để về nước”, ông Linh vui mừng.

Hai hôm nay, ngoài những lúc tiếp hàng xóm đến chúc mừng, hai ông bà chăm chú xem các bản tin thời sự để nắm tình hình. Trưa ngày 24/10, thấy tivi chiếu cảnh các thuyền viên đang được cơ quan nước bạn làm thủ tục để về Việt Nam, dù máy quay chỉ lướt qua nhưng ông bà cũng nhận ra con trai.

Qua truyền hình, anh Phương có gầy và già hơn trước rất nhiều. Ông Linh cũng cho biết, khi anh Phương về nước, ông bà sẽ động viên con ở nhà làm ăn để không bao giờ phải sống trong cảnh phấp phỏng lo sợ như vừa qua.

Vĩnh Khang

Qua 10 tháng: VN đưa hơn 98.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố số liệu 98.410 lao động đi làm việc sau 10 tháng của năm 2016. Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là thị trường lao động thu hút đông nhất lao động VN.

Con thoát khỏi cướp biển Somalia sau hơn 4 năm, cha mẹ già vui quên ngủ - 3

Tính riêng trong tháng 10/2016, các doanh nghiệp XKLĐ đã phái cử 10.361 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 3.679 lao động nữ. Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là thị trường lao động thu hút đông nhất lao động VN với 6.110 lao động (1.953 lao động nữ). Lần lượt tiếp sau là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê út, Algeria với các số liệu: 3.193 lao động (1.351 lao động nữ), 641 lao động (104 lao động nữ), 267 lao động (243 lao động nữ) và 103 lao động nam … Một số thị trường khác thu hút số lao động không nhiều như: Macao với 27 lao động (26 lao động nữ), Malayssia với18 lao động (15 lao động nữ). Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng số lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng phái cử là 98.410 lao động (36.643 lao động nữ), đạt 98,4% kế hoạch năm 2016 và bằng 116,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thành công Kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 tại 4 điểm thi tại 3 tỉnh, thành Hà Nội, Vinh và TP HCM trong tháng 10. Kết quả đã có 2.100/20.000 thí sinh trúng tuyển. Kỳ thi trên đã được nối lại sau hơn 4 năm gián đoạn. Nguyên nhân là tỉ lệ lao động VN hết hạn hợp đồng lao động đã ở lại trái phép Hàn Quốc quá lớn.

L.Đ