1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp:

Chuyên gia tha thiết mong Chính phủ ban hành hạn ngạch về giáo dục đại học

(Dân trí) - “Tôi tha thiết mong Chính phủ ban hành hạn hạch tuyển sinh hệ giáo dục đại học trong một năm, phần còn lại là trách nhiệm của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Có thể tỉ lệ là 2/7, 3/7 hoặc 4/7 và tuỳ thuộc vào sự hấp thụ của nền kinh tế…”

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ tại buổi góp ý về dự thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020” do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì hôm 4/5 tại Hà Nội.

Cần “bàn tay” của Nhà nước điều chỉnh

Bên cạnh việc đánh giá cao và đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Đề án, bà Trần Thị Tâm Đan cũng bày tỏ quan điểm cá nhân về tình trạng gần 200.000 cử nhân thất nghiệp và việc thông tin dự kiến bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học hiện nay.

Vị chuyên gia giáo dục trên cho rằng, để có một nền kinh tế tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, Chính phủ cần đặt ra một hạn ngạch cho giáo dục đại học, phần còn lại trong công tác đào tạo nhân lực đương nhiên thuộc về công việc của mảng giáo dục chuyên nghiệp.


Theo Bản tin thị trường lao động Quý 2/2016, cả nước có 191.000 người trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp.

Theo Bản tin thị trường lao động Quý 2/2016, cả nước có 191.000 người trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp.

Nhưng lý do vì sao phải đưa ra hạn ngạch? Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan: “Nếu không làm như vậy, khó xoay chuyển được tình hình và các trường nghề khó tuyển sinh được. Bởi vì, người dân vẫn thích cho con đi học đại học, dù chất lượng kém còn hơn có tấm bằng ở cấp thấp hơn. Nhà nước cần có “bàn tay” điều chỉnh cơ cấu nhân lực theo thực tiễn”.

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan giải thích thêm, việc kế hoạch hoá đã được thay đổi từ lâu, tuy nhiên việc điều chỉnh đào tạo nhân lực nên tính tới yếu tố cân đối thực tế.

Đồng thời, vị chuyên gia cũng lưu ý về công tác giáo dục nghề nghiệp với việc chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức kỹ năng, thái độ sang nền giáo dục định hướng phát triển năng lực. “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực nhằm hình thành khả năng tổ chức, giải quyết vấn đề thành công thông qua khả năng và thế mạnh của người học. Đây là điểm mới của công tác giáo dục nghề nghiệp”.

Lãng phí khi học sinh trượt ĐH mới đi học nghề

Đồng quan điểm ủng hộ tinh thần đổi mới của dự thảo Đề án, GS.TS Đào Trọng Thi - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội - cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH cần tính thêm các yếu tố của thị trường lao động khu vực và quốc tế: “Chúng ta sẽ không chỉ đưa lao động phổ thông mà còn đưa lao động có tay nghề chất lượng cao ra phân khúc thị trường lao động thế giới, trên cơ sở khả năng của mình…”.

Với việc tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề cho Bộ LĐ-TB&XH, GT.TS Đào Trọng Thi đánh giá công việc nặng nề của Bộ khi xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chỉnh sửa hệ thống văn bản dưới luật liên quan tới lĩnh vực dạy nghề, hợp nhất hai cơ quan dạy nghề từ 2 Bộ thành một thể thống nhất cũng như hệ trung cấp, cao đẳng nghề và trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp…

“Khác với giáo dục đại học, hiện nay giáo dục nghề nghiệp thiếu nguồn đầu vào, chúng ta cần tăng quy mô trên cơ sở đảm bảo chất lượng” - GS.TS Đào Trọng Thi nói.

Để tăng lượng “đầu vào” cho giáo dục nghề nghiệp, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh vai trò của công tác phân luồng. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác phân luồng tới học sinh bậc phổ thông.

Nêu ra tình trạng lãng phí trong việc hướng nghiệp nửa vời, GS.TS Đào Trọng Thi phân tích: “Dù hướng học sinh đi học nghề mà vẫn cho các em học THPT thì sẽ lãng phí. Vì các em học hết bậc THPT và thấy không thể thi được vào hoặc thi trượt đại học mới quay về học nghề thì quá chậm. Nếu theo 3 năm học trung cấp nghề, các em có thể thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu: Hoàn thành bậc THPT (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp) và có tay nghề thực sự. Như vậy, sẽ lợi và tiết kiệm hơn”.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần có giải pháp khuyến khích trong công tác phân luồng trước, trong và sau quá trình đào tạo, như: Miễn toàn bộ học phí cho học sinh học nghề, tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh và học sinh hiểu đúng về giá trị của việc học nghề. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa các cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo và lao động…

“Cần có sự can thiệp của Chính phủ, như hiện nay việc dự kiến không hạn chế đầu vào ĐH của Bộ GD&ĐT là chưa phù hợp” - GS.TS Đào Trọng Thi lưu ý.

Xem lại tuyển sinh đại học và phân luồng

Theo GT.TS Trần Quốc Toản - Nguyên Phó chủ nghiệm Văn phòng Chính phủ - cần lưu ý về chất lượng, hiệu quả so với chuẩn đặt ra. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là mức độ đáp ứng thị trường lao động về cơ cấu nghề, trình độ việc làm quy tụ ở năng suất lao động. Rõ ràng điều này còn rất thấp.

Dựa trên quan điểm tiếp cận thực tiễn để xây dựng Đề án, GS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, trong nhiều trường hợp, việc đào tạo 3 tháng hoặc 5 tháng đôi khi còn có hiệu quả hơn đào tạo 1,5 - 2 năm.

GS.TS Trần Quốc Toản lưu ý tới cách tiếp cận dạy nghề có thể nhìn từ 2 hướng. Một là lấy chuẩn khu vực quốc tế áp 100 % vào công tác dạy nghề Việt Nam. Hai là cách từ thực tiễn của Việt Nam tiếp cận ra chuẩn thế giới. “Qua đó xem điều gì phù hợp thì mở rộng, trừ đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động”.

Vị chuyên gia cũng phải nhấn mạnh việc cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan nào khiến đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề đang sụt giảm? “Trong khi đó, gần 200.000 cử nhân thất nghiệp, nhiều người đăng ký làm công nhân là điều cần suy nghĩ. Có ý kiến của chuyên gia cho rằng nguyên nhân là công tác phân luồng và tuyển sinh đại học “thả cửa”.

“Chúng ta tôn trọng nhu cầu của người học. Nhưng Nhà nước phải tôn trọng sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Có lẽ, một số vấn đề cần phân tích không chỉ liên quan đến Bộ LĐ-TB&XH mà ở cấp cao hơn thì cần phải kiến nghị như việc tuyển sinh hoặc phân luồng”- GS.TS Trần Quốc Toản cho biết.

Hoàng Mạnh