Chưa có việc sa thải hàng loạt lao động trung niên tại doanh nghiệp FDI

(Dân trí) - Đây là trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trước câu hỏi của đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) về bảo vệ quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp FDI cũng như giải pháp trước tình trạng người lao động bị sa thải ở tuổi trung niên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Tính đến nay, khu vực FDI có khoảng 2,68 triệu người lao động đang làm việc. Trong đó một số tập đoàn lớn như Pou-Chen khoảng 150.000 người, Samsung khoảng 170.000 người, hãng Nike kể cả gia công khoảng 400.000 lao động.

Bình quân mức lương tháng của người lao động tại các doanh nghiệp FDI hiện nay tại các tập đoàn lớn khoảng 5,5 triệu đồng/người

Bộ trưởng nhận định: “Những tập đoàn và doanh nghiệp FDI lớn rất quan tâm đến đời sống, phúc lợi của người lao động. Một số vụ việc vừa qua chủ yếu xảy ra ở những doanh nghiệp nhỏ và lẻ”.

Về ý kiến cho rằng, thời gian vừa qua, tỷ lệ ở các doanh nghiệp FDI sa thải người lao động ỏ tuổi 30 - 35 là lớn. Thậm chí có ý kiến của một viện nghiên cứu đưa ra đó là sa thải 80% người lao động ở độ tuổi 30 - 35.

Bộ trưởng cho rằng không có chuyện này.

Bộ trưởng cho biết, việc bảo vệ người lao động là vấn đề quan trọng, Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra thực tiễn rất nhiều, đối thoại với doanh nghiệp FDI, với công nhân và yêu cầu doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội...

Ngay sau khi có thông tin trên, Bộ LĐ-TB&XH và Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp đi khảo sát ở một số doanh nghiệp của 3 tỉnh là Đồng Nai, Bắc Ninh và TP.Hồ Chí Minh. Con số thực tế không phải như vậy.

"Chỉ có 11% lao động nghỉ việc, xin nghỉ với nhiều lý do khác nhau nằm trong số này. Trong đó, chỉ có 1,9% so với tổng số lao động của doanh nghiệp trong độ tuổi 30-35 nghỉ việc" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tiếp thu ý kiến đại biểu, đúng là phải chăm lo cho khu vực này. Ngày 2/6, tôi đã báo cáo Chính phủ, trong nghị quyết của Chính phủ đồng ý để Bộ xây dựng một dự án về tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân, người lao động trong doanh nghiệp FDI khi thất nghiệp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp FDI”.

Mục tiêu của dự án trên nhằm đào tạo, chuyển nghề cho người lao động khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất mà nguy cơ người lao động phải thay đổi hoặc không có việc làm.

Hoàng Mạnh