1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chưa ráo mồ hôi đã hết tiền

Liên quan đến việc ngành dệt may, da giày đề nghị không tăng lương tối thiểu (LTT) vùng trong vòng 1-2 năm để bảo đảm "sức khỏe" doanh nghiệp (DN), lãnh đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) khẳng định vẫn phải duy trì LTT nhằm ổn định cuộc sống người lao động (NLĐ).

Năm nào cũng vậy, mỗi khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cứ như rằng các DN đều kêu ca, than vãn. Nhưng họ có biết rằng gần chục năm qua, điệp khúc "lương không đủ sống" cứ mãi đeo bám hàng chục triệu công nhân.

Đơn cử như trường hợp chị Trần Kim Đậm - quê Tiền Giang, công nhân một DN gia công giày ở quận Bình Tân, TP HCM. Gắn bó với doanh nghiệp gần chục năm nhưng mức lương cơ bản chỉ đạt 3,7 triệu đồng/tháng, cộng với tiền lương tăng ca, tổng thu nhập của chị chưa đến 6 triệu đồng.


Đồng lương ít ỏi buộc công nhân phải dè sẻn chi tiêu. Ành: NGUYỄN LUÂN

Đồng lương ít ỏi buộc công nhân phải dè sẻn chi tiêu. Ành: NGUYỄN LUÂN

Chồng chị là thợ xây với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Cả gia đình 4 người thuê một phòng trọ rộng hơn chục mét vuông, giá 1,5 triệu đồng/tháng, vô cùng chật chội và nóng bức, chỉ có một chiếc giường. Với mức thu nhập ấy, vợ chồng chật vật lắm. Từ khi sinh đứa con thứ hai, cuộc sống của họ luôn thiếu trước hụt sau do có nhiều khoản phải chi tiêu.

Chịu không thấu chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở TP, mới đây, họ đành gửi đứa con lớn về quê cho ông bà chăm sóc. "Trừ chi phí sinh hoạt ở TP và tiền gửi về quê phụ giúp ba mẹ chăm sóc con cái, không tháng nào vợ chồng tôi có dư, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền" - chị Đậm cho biết. Hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn gia đình công nhân tại TP HCM cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nền lương tối thiểu quá thấp khiến họ sống hết sức túng bấn.

Điều 91 Bộ Luật Lao động quy định: "Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của HĐTLQG".

Theo HĐTLQG, mức tăng 6,5% năm 2018 đã được xem xét trên mọi khía cạnh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Mức tăng này đã tính đến điều kiện việc làm, thất nghiệp, sản xuất - kinh doanh của các DN vẫn còn khó khăn, nhất là lĩnh vực thủy sản, dệt may, da giày.

Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, tiền lương tối thiểu là cần thiết và phải tiếp tục được duy trì. Để bảo đảm mức sống tối thiểu, từng bước nâng cao thu nhập cho tương xứng với công sức của NLĐ, Chính phủ, HĐTLQG và các bộ, ngành liên quan cần xem xét, điều chỉnh tiền lương tối thiểu sao cho để đến hết năm 2018, mức lương tối thiểu phải đáp ứng đủ mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Theo Báo Người lao động