1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chưa điều chỉnh lương cơ sở

Điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công. Chính phủ đề nghị QH cho phép bán bớt phần vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp để tăng thu ngân sách

Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo Quốc hội (QH) về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Giảm giá dầu bị hụt 63.000 tỉ đồng

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thu cả năm ước đạt 927.500 tỉ đồng, vượt 1,8% (tương đương 16.400 tỉ đồng) so với dự toán giao là 911.100 tỉ đồng; đồng thời tăng 7,4% so với năm 2014.

Trong đó, thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỉ đồng (tăng 7,6% so dự toán và tăng 17,7% so với thực hiện năm 2014). Thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu bị hụt 63.000 tỉ đồng; riêng thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỉ đồng.

Thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỉ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí. Thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và từ hoạt động xuất nhập khẩu 19.000 tỉ đồng do trị giá tính thuế xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu giảm.

Trong khi đó, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế giá trị gia tăng trong năm 2015 so với dự toán. Công tác quản lý và thu thuế năm 2015 tiến bộ, thủ tục hành chính được cải cách toàn diện và đồng bộ hơn; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm thực hiện tích cực.

Đời sống công chức, viên chức nhiều khó khăn nhưng lương cơ sở dự kiến vẫn không được điều chỉnh trong năm 2016. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đời sống công chức, viên chức nhiều khó khăn nhưng lương cơ sở dự kiến vẫn không được điều chỉnh trong năm 2016. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2015 của Chính phủ.

Ông Hiển cho rằng mặc dù tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán nhưng tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương với khoảng 47.700 tỉ đồng. Trong khi đó, ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỉ đồng. “Điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối NSNN. Do vậy, Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, bảo đảm cân đối NSNN” - báo cáo nêu.

Chỉ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp diện chính sách

Đáng chú ý, người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết do NSNN năm 2016 khó khăn nên chưa cân đối được nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở.

“Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 phải tiếp tục bù để điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công; tiền lương đối với những đối tượng công chức, viên chức có thu nhập thấp và bố trí thêm 1.500 tỉ đồng để điều chỉnh tăng lương đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hiện dưới 2 triệu đồng” - Bộ trưởng Bộ Tài chính giãi bày.

Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị QH cho phép các địa phương có tăng thu ngân sách so với dự toán năm 2015 dành 50% phần tăng thu để bảo đảm thực hiện mức lương cơ sở đến 1.150.000 đồng/tháng, tiếp tục điều chỉnh tiền lương đối với các đối tượng có thu nhập thấp trong năm 2016. Theo đó, phải thực hiện chuyển nguồn ngân sách địa phương sang năm 2016 là 4.100 tỉ đồng.

Bán bớt vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để bảo đảm nhiệm vụ chi năm 2015-2016 trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm lớn, Chính phủ trình QH cho phép bán bớt phần vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp, dự kiến thu về 40.000 tỉ đồng. Trong đó, 10.000 tỉ đồng bổ sung ngân sách trung ương năm 2015, 30.000 tỉ đồng đưa vào cân đối ngân sách 2016, tập trung đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa cao.

Trình bày tờ trình QH về tình hình triển khai Nghị quyết liên quan đến phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và tái cơ cấu nợ Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có 363.166 tỉ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2015-2016.

Do đó, Chính phủ vừa chính thức đề xuất phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ. Nguyên nhân bởi các nguồn tài chính trong nước đã được huy động tối đa nên không thể tiếp tục sử dụng kênh này để tái cơ cấu danh mục nợ TPCP. Trong khi đó, Luật Quản lý nợ công lại không cho phép vay ngoại tệ trực tiếp để cơ cấu các khoản nội tệ.

Cũng theo tờ trình, việc phát hành TPCP về cơ bản không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định. Việc phát hành cũng sẽ tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế về việc Việt Nam tham gia thị trường một cách thường xuyên; góp phần giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước…

Một triệu tỉ đồng xây dựng nông thôn mới

Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết tổng mức vốn đầu tư của chương trình dự kiến khoảng 1 triệu tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 120.000 tỉ đồng; lồng ghép với các chương trình, dự án khác là 80.000 tỉ đồng; ngân sách địa phương là 130.000 tỉ đồng; huy động các nguồn lực khác là 670.000 tỉ đồng.

Chương trình nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân... Cụ thể là giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân xuống 1,3%-1,5%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Theo Báo Người lao động