1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chống quấy rối tình dục nơi làm việc chính là thực hiện bình đẳng giới

(Dân trí) - “Tại Việt Nam, lao động nữ tham gia thị trường lao động với tỷ lệ khoảng 48% và doanh nhân nữ chiếm 31,3% cơ cấu giới. Tuy nhiên bất bình đẳng giới ở một số lĩnh vực vẫn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết…”

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động phát biểu tại hội thảo về bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi. Chương trình do VCCI tổ chức sáng 5/4 tại Hà Nội. 

Doanh nghiệp có lợi khi thực hiện bình đẳng giới

Phân tích về sự bất bình đẳng, bà Trần Thị Lan Anh cho rằng: “Tỷ lệ lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam. Điều này có thể thấy rõ trong các lĩnh vực ngành nghề có yêu cầu chất lượng tay nghề. Trong khi đó, trình độ chuyên môn thấp khiến tiền lương, tiền công và thu nhập bình quân của phần lớn lao động nữ thường thấp hơn so với lao động nam”.

Đánh giá của đại diện Văn phòng Giới sử dụng lao động cho thấy, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm chính thức, bảo hiểm xã hội và các điều kiện lao động tốt vẫn thấp hơn nhiều so với nam giới.

Ông Mai Đức Thiện - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá về công tác bình đẳng giới.

Trong số lao động nữ, nhóm có cơ hội thấp hơn là lao động nữ nông thôn và lao động nữ dân tộc thiểu số.

“Chính vì vậy, việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và cam kết với bạn hàng, giữ chân và tuyển dụng được những lao động có tay nghề, có kỹ năng và nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho đổi mới và sáng tạo” - bà Trần Lan Anh cho biết.

Để đảm bảo công tác bình đẳng giới, VCCI đã có chiến lược cho việc tuyên truyền để doanh nghiệp thực thi và đánh giá đúng lợi ích khi tham gia.

“Chúng tôi đang xây dựng các chương trình đào tạo tập huấn dành cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu rằng việc việc trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giúp cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp của họ nâng cao vị thế của mình” - bà Lan Anh nói.

Cần nhiều nỗ lực

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), vấn đề bình đẳng giới không tách biệt mà đan xen trong nhiều nội dung của chính sách pháp luật lao động, như: Đàm phán hợp đồng lao động, tiền lương, tuổi nghỉ hưu.

Theo Ban Nữ công (Tổng LĐLĐ VN), một số cuộc khảo sát về bình đẳng giới, môi trường làm việc tại một số địa phương cho thấy, tình trạng nữ công nhân bị quấy rối tình dục vẫn xảy ra. Tuy nhiên, lao động nữ không dám nói lên sự thật vì sợ ảnh hưởng tới công việc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn thiếu quy chế giám sát và làm việc khoa học cũng là nguyên nhân xảy ra tình trạng trên.

Bên cạnh đó, tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở đã và đang cũng là một vấn đề nhức nhối và cần nhìn nhận thắng thắn nhằm bảo vệ quyền lợi lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới.

Qua hoạt động công đoàn cho thấy, nhiều nội dung tưởng như không liên quan tới bình đẳng giới nhưng thực tế lại tác động nhiều tới lao động nữ.

“Đơn cử như nội dung giờ làm thêm. Các ngành như dệt may và da giày thu hút đông lao động nữ. Giờ làm thêm trong lĩnh vực đó nhiều hơn các ngành khác và tác động không nhỏ tới lao động nữ như việc nuôi con nhỏ, ảnh hưởng tới sức khoẻ, chống quấy rối tình dục nơi công sở…” - ông Lê Đình Quảng dẫn chứng.

Về đàm phán tiền lương, nhiều nơi vẫn diễn ra tình trạng tiền lương của lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam ở cùng 1 vị trí.

Giải thích thêm, ông Lê Đình Quảng cho rằng: “Điều này không phải do quy định của pháp luật. Nguyên nhân chính là nhận thức của chủ sử dụng lao động và chính lao động nữ. Do đó, công đoàn phải có trách nhiệm nhiều trong việc nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp và lao động nữ trong công tác bình đẳng giới”.

Đồng quan điểm với những nhận xét về vai trò bình đẳng giới tại nơi làm việc, ông Mai Đức Thiện - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dự án sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012 sắp tới sẽ có những điều khoản mới liên quan đến bình đẳng giới.

Mục tiêu của việc sửa đổi là hướng đến sự bình đẳng về giữa lao động nam và lao động nữ. Theo đó, các nội dung về bình đẳng giới sẽ được xem xét như: Quy định về tuyển dụng, điều kiện làm việc, tiền lương, đào tạo, đãi ngộ và thù lao; thăng tiến nghề nghiệp…

“Dự thảo sửa đổi Luật lao động sẽ nghiên cứu việc cấm những quy định như “chỉ tuyển lao động nam” “chỉ tuyển lao động nữ”…Người lao động phải được làm nhưng công việc mà họ lựa chọn” - ông Mai Đức Thiện cho biết.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật lao động 2012 sẽ hướng đến việc bảo vệ điều kiện làm việc của lao động nữ xuất phát từ đặc điểm sinh lý riêng có của nữ giới, cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ người lao động nữ được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khoẻ như khám  sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản…

Hoàng Mạnh