1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chính phủ triển khai Quy hoạch nhân lực quy mô lớn nhất

(Dân trí) - Theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong 10 năm tới có khoảng 30,5 triệu lao động qua đào tạo; dự kiến đến 2020 có 573 trường ĐH, CĐ; tổng nhu cầu vốn đầu tư ước tính khoảng.135 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1216/2011/QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2020 được các nhà chuyên môn đánh giá là chương trình quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực đầy đủ và toàn diện nhất kể từ năm 1975 tới nay của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, kế hoạch quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam 10 năm sẽ là xác định nhu cầu nhân lực quốc gia về mặt số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề cho từng ngành kinh tế, ví dụ cho công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải và đến từng vùng kinh tế.

Cụ thể, mục tiêu là tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên mức 70% năm 2020, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%; ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56%; ngành dịch vụ tăng từ 67% lên 88%.

Chính phủ triển khai Quy hoạch nhân lực quy mô lớn nhất  - 1

Nguồn cung cấp nhân lực là mạng lưới các trường ĐH, Cao đẳng và dạy nghề sẽ được mở rộng. (Ảnh minh họa)

Theo Phó Thủ tướng, đây là lần đầu tiên Chính Phủ đưa ra mục tiêu rõ ràng về nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như từng ngành, địa phương. Theo đó, ngành giáo dục và đào tạo, ngành dạy nghề và các ban, ngành phối hợp thực hiện sẽ có cơ sở thực hiện việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Như về phát triển nhân lực theo bậc đào tạo, phấn đấu tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 30,5 triệu người (chiếm khoảng 55% trong tổng số 55 triệu người làm việc trong nền kinh tế) và năm 2020 tăng lên gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế).
 
Về phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực, quy hoạch xác định nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ mức 10,8 triệu người năm 2010 (bằng 22% tổng số nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 15 triệu năm 2015 (27%) và khoảng 20 triệu năm 2020 (31%).

Trong khu vực dịch vụ, nhân lực tăng từ mức trên 13 triệu người năm 2010 lên khoảng 15-16 triệu năm 2015 và khoảng 17-19 triệu người năm 2020. Trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 từ 24,9 triệu người đên năm 2015 là trên 24-25 triệu và  2020 khoảng 22-24 triệu người.

Ngoài ra, Quy hoạch cũng đề cập đến nhân lực của một số ngành/lĩnh vực kinh tế đặc thù như: Giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường, du lịch, ngân hàng, tài chính, công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân...

Bên cạnh việc xác định nhu cầu nhân lực theo từng ngành kinh tế, bản Quy hoạch cũng xác định nhu cầu nhân lực cho từng vùng kinh tế.

Để đáp ứng nguồn nhân lực, dự kiến mạng lưới trường Đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ) vào năm 2020 sẽ có tổng cộng 573 trường, trong đó 259 trường ĐH và 314 trường CĐ; trong giai đoạn 2011-2015 sẽ thành lập thêm 158 trường (70 trường ĐH và 88 trường CĐ).
 
Mạng lưới các cơ sở dạy nghề cũng tăng lên đáng kể, đến năm 2015, có 190 trường CĐ nghề (60 trường ngoài công lập), 300 trường trung cấp nghề (100 trường ngoài công lập) và 920 trung tâm dạy nghề (320 trung tâm ngoài công lập). Đến năm 2020, có 230 trường CĐ nghề (80 trường ngoài công lập), 310 trường trung cấp nghề (120 trường ngoài công lập) và 1.050 trung tâm dạy nghề (350 trung tâm ngoài công lập).

Quy hoạch cũng đưa ra dự báo sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nhân lực cho cả giai đoạn 2011-2020 ước tính khoảng 2.135 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề dự kiến khoảng 1.225-1.300 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, chương trình Quy hoạch nhân lực này được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành xây dựng quy hoạch nhân lực từ cơ sở. Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành phê duyệt quy hoạch nhân lực của chính ngành mình. Đây được xem là giải pháp quan trọng, 1 trong 4 nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển ngành và kinh tế xã hội các địa phương.

P. Thanh