1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chi BHYT mức “khủng”, học sinh lớp 9 lên thẳng cao đẳng, “thúc hoa” đón Tết…

(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội VN chi tiền khám chữa bệnh BHYT hơn 4,7 tỉ đồng/bệnh nhân, Thứ trưởng Bộ Lao động đề xuất liên thông lớp 9 lên cao đẳng, tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở ra sao khi VN vào CPTTP, không nên vội vãi rút BHXH một lần vì tin đồn sai về vụ ALC II…là những thông tin hấp dẫn trong lĩnh vực LĐVL tuần qua.

Chi BHYT mức “khủng”, học sinh lớp 9 lên thẳng cao đẳng, “thúc hoa” đón Tết… - 1

Quỹ BHYT: Chi trả tiền khám chữa bệnh mức kỷ lục hơn 4,7 tỷ đồng

Thống kê từ Hệ thống thông tin Giám định bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam) cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2018, gần 50 trường hợp bệnh nhân đã được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ mức gần 830 triệu đồng đến hơn 4,7 tỷ đồng.

Theo đó, trường hợp chi trả cao nhất là hơn 4,7 tỉ đồng cho một bệnh nhân có địa chỉ thường trú tại xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân này mắc bệnh rối loạn đông máu và thuộc diện gia đình khó khăn. Bệnh nhân được cấp thẻ BHYT khoảng 10 năm nay, được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân được Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả với số tiền cao trong thời gian trên, cụ thể như sau: Bệnh nhân trú tại Bản Xá, Xã Bính Xá, Huyện Đình Lập, Lạng Sơn được Quỹ chi trả gần 2,86 tỷ đồng; bệnh nhân trú tại Bảo trợ xã hội xã Đắc Sơn, Phổ Yên, Thái Nguyên được Quỹ chi trả 2,6 tỉ đồng; Bệnh nhân trú tại A266 Tháp Xã Dị Sử, Huyện Mỹ Hào, Hưng Yên được Quỹ chi trả 2,37 đồng.

Chong đèn "đánh thức" hoa cúc chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán

Hàng trăm ngàn chậu hoa cúc ở "thủ phủ" hoa Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được "đánh thức" bởi ánh sáng của hàng ngàn bóng đèn điện. Đây là kỹ thuật được người nông dân áp dụng giúp cây hoa phát triển vượt trội và nở đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán.

Xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ là một trong những vựa hoa cúc lớn nhất ở khu vực miền Trung. Mỗi năm nơi đây cung cấp ra thị trường trên 500.000 chậu hoa Tết. Để hoa cúc nở đẹp và đúng dịp Tết, người trồng hoa phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Trong đó có biện pháp chong đèn "đánh thức" hoa khá thú vị.

Ông Huỳnh Thanh Tiến (xã Nghĩa Hiệp)- người gắn bó với cây hoa cúc hàng chục năm qua cho biết: "Cây hoa cúc bán Tết phải đảm bảo thân thẳng để kết thành chậu thật đẹp, hoa phải nở đúng thời điểm, bông hoa phải to và màu sắc rực rỡ thì bán mới được giá. Để đạt được những yêu cầu này phải áp dụng kỹ thuật cho hoa "ăn" ánh sáng đèn điện vào ban đêm. Sau khi trồng khoảng 1 tháng là bắt đầu chong đèn không cho hoa ngủ", ông Tiến vui vẻ chia sẻ.

Thứ trưởng Lê Quân: “Học sinh tốt nghiệp lớp 9 nên được học lên cao đẳng”

“Điều 27 có thể sửa là học sinh trung học cơ sở không chỉ được học lên trung cấp mà có thể lên cao đẳng. Đây không là điều mới mẻ. Bởi, mô hình học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể học lên cao đẳng đã được áp dụng thí điểm ở hơn 10 trường cao đẳng nhiều năm qua”.

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu tại Quốc hội sáng 15/11 về các nội dung góp ý đối với dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Liên quan tới nội dung học liên thông của học sinh bậc phổ thông trong dự án Luật Giáo dục

Thứ trưởng Lê Quân đề nghị sửa nội dung Điều 27 trong dự án Luật thành cho phép các em học hết trung học cơ sở có thể tham gia trung cấp hoặc học cao đẳng ngay. “Khi đó chúng ta sẽ thiết kế chương trình sẽ đảm bảo phù hợp hơn”.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm mô hình học hết 9 năm lên học cao đẳng. Chương trình dài 3-4 năm được thiết kế gồm dạy văn hóa cả kỹ năng nghề. Khi ra nghề, các em tầm 18-19 tuổi và có thể gia nhập thị trường lao động.

“Năm vừa rồi kết quả tuyển sinh vượt trội vì mô hình này” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Ra nước nước ngoài làm việc: Mãi chỉ là nhân công giá rẻ?

Thực tập sinh đi ra nước ngoài hầu như rất ít người có tâm thế đi học để làm chủ và xây dựng đất nước.

Đó là băn khoăn của ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài" do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 13/11 tại trường ĐH Văn Hiến.

Tại hội thảo này, các đại biểu đều cho rằng đã đến lúc không nên chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông, giá rẻ mà phải nâng cao chất lượng lao động, nâng cao giá trị xuất khẩu lao động và khẳng định thương hiệu chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân TPHCM chia sẻ: “cứ 10 em đi xuất khẩu lao động thì hết 7,8 em trở về đều ở tâm thế người làm thuê. Đa phần nhiều em đi làm ở nước ngoài để kiếm một số vốn rồi trở về tâm thế của người làm thuê tiếp".

Từ thực tế trên, Vị diễn giả trên đặt câu hỏi: Tại sao không biết tận dụng vốn và kiến thức đã được trao dồi ở nước ngoài để trở về làm chủ bản thân, xây dựng đất nước?.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Tín dụng đen bủa vây công nhân, thách thức chính quyền

Đại biểu QH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định tín dụng đen đang bủa vây công nhân và sinh viên, đang công khai thách thức chính quyền, gây bất an cho xã hội, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 13/11 về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đại biểu (ĐB) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã nêu thực trạng đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, đời sống của người dân, đó là tình trạng tín dụng đen.

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, thời gian gần, đây tín dụng đen nổi lên như là một vấn đề xã hội lớn, len lỏi vào mọi ngõ ngách, nhất là ở những thành phố lớn, những địa phương phát triển, những địa bàn đông công nhân và sinh viên. Khắp nơi trên những con phố đẹp, tuyến đường lớn, tín dụng đen quảng cáo, rao vặt công khai với cái gọi là hỗ trợ tài chính, vay nhanh - trả gọn, cầm đồ, bát họ...

Nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ mọi cách tiếp cận, thuyết phục công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn.

Vào CPTTP: Tổ chức đại diện lao động ở cơ sở được quy định ra sao?

Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở là một mô hình mới xuất hiện khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP). Vậy, chức năng và hoạt động của tổ chức này ra sao? Lộ trình cho việc ra đời tổ chức này?...

Đây là những nội dung được báo giới đặt ra với ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) tại “Tọa đàm về cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP”, nhân sự kiện Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP) hôm 12/11.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết cho phép người lao động được quyền thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở.

Tổ chức này sau khi tự thành lập có 2 sự lựa chọn: Tự nguyện tham gia vào hệ thống Tổng LĐLĐ VN và trở thành một phần của Tổng LĐLĐ VN hoặc có thể đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được phép hoạt động.

Vụ ALC II: “Không vì tin đồn sai mà vội vã rút BHXH một lần”

“Vụ việc ALC II diễn ra cách đây 10 năm. Từ đó tới nay, quyền lợi của người tham gia BHXH luôn được đảm bảo. Mỗi tháng có khoảng 2,8 triệu người được chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH. Người lao động không nên nghe những tin đồn sai mà vội vã rút BHXH một lần”.

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, trao đổi với báo giới liên quan tới sự việc Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) phá sản và nguyên lãnh đạo BHXH VN bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam .

Khẳng định sự việc trên là đáng tiếc, ông Trần Đình Liệu cho biết vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền điều tra. Đồng thời, sự việc trên không ảnh hưởng tới nhiệm vụ được Nhà nước giao cho BHXH VN là thực hiện công tác chi trả chế độ cho đối tượng hưu trí và các đối tượng liên quan.

Ông Trần Đình Liệu cho biết: “Trong mọi trường hợp, quyền lợi của người tham gia BHXH luôn được đảm bảo. Người lao động nói chung và đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất xin hãy yên tâm và tiếp tục tham gia BHXH. Không nên vì tin đồn sai mà vội vã đề nghị hưởng BHXH một lần, như vậy sẽ rất thiệt thòi…”

Bộ LĐ-TB&XH thông tin về 4 lao động Việt Nam thương vong tại Hàn Quốc

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vụ cháy nổ tại thành phố Wonju (Hàn Quốc) hôm 10/11 đã làm 2 lao động tử vong, 2 lao động bị thương. Cả 4 lao động trên đều là người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

Theo đó, khoảng 9 giờ 45 phút sáng ngày 10/11, một vụ cháy nổ đã xảy ra tại Công ty Foosung Precision Industry, thành phố Wonju (Hàn Quốc) chuyên sản xuất bồn ống và van nhựa.

Vụ tai nạn đã khiến 4 lao động Việt Nam đang làm việc tại đó bị thương vong. Cụ thể, 2 lao động bị tử vong, gồm: Anh Chu Văn Đường, sinh năm 1987 (quê Hữu Lũng, Lạng Sơn) và anh Tăng Văn Khanh, sinh năm 1990 (quê Hữu Lũng, Lạng Sơn); 2 lao động bị thương: Anh Đỗ Quốc Hưng, sinh năm 1987 và anh Vương Đắc Khải, sinh năm 1997.

Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do chập bóng đèn điện hàn trong khi người lao động đang hàn gắn các thiết bị ăn mòn trong bình chứa hoá chất.

Hoàng Mạnh tổng hợp