"Chạy"vào ngành công an, hơn 40 người sập bẫy lừa đảo

Mặc dù không nghề nghiệp, song với tài “chém gió”, Nguyễn Văn Điệp (SN 1984, quê Phú Thọ) đã gom hơn 10 tỷ đồng của hàng chục người có nhu cầu vào học, làm việc trong ngành công an rồi đưa lại cho họ giấy báo nhập học, nhận việc giả…


Đối tượng Điệp và  Quân. Ảnh: Công an Nhân dân.

Đối tượng Điệp và  Quân. Ảnh: Công an Nhân dân.

Ngày 4/1, Phòng CSHS, Công an thành phố Hà Nội cho biết đã triệt phá đường dây lừa đảo, làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, đồng thời bắt giữ 2 đối tượng trong vụ án.

Những ngày cuối năm 2015, Đội 12 - Phòng CSHS phát hiện ổ nhóm đối tượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “chạy” trường, “chạy” việc vào ngành công an. Sau một thời gian ngắn điều tra, cảnh sát đã bắt giữ Nguyễn Văn Điệp và đồng phạm là Lê Văn Quân (SN 1986, quê Phú Thọ), chủ cửa hàng Photocopy tại phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thông qua các mối quan hệ xã hội, Điệp quen chị Lê Thị Hương (SN 1981) và chị Lê Thu Hường (SN 1984), cùng trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Qua trò chuyện, Điệp “quảng cáo” có mối quan hệ có thể xin việc, xin học tại các trường thuộc ngành công an với chi phí 200 triệu đồng/suất đi học và 300 triệu đồng/suất vào làm trong các cơ quan công an. Những người có nhu cầu sẽ phải “tạm ứng” trước 100 triệu đồng để Điệp đi “ngoại giao”, sau một tháng sẽ có kết quả và “giải ngân” số tiền còn lại.

Thấy Điệp có vẻ ngoài lịch thiệp, thỉnh thoảng lại có những cuộc điện thoại gọi đến nhờ  vả… nên chị Hương và Hường đã đứng ra nhận hồ sơ và tiền đặt cọc của những người có nhu cầu “chạy” vào ngành công an. Trong năm 2015, chị Hương và Hường đã chuyển cho Điệp tổng cộng hơn 40 bộ hồ sơ và 11 tỷ đồng tiền cọc của những người có nhu cầu.

Để củng cố lòng tin cho “con mồi”, sau khi nhận tiền và hồ sơ, Điệp mang giấy tờ liên quan đến cửa hàng Photocopy của Quân thuê làm giả giấy báo nhập học và quyết định tiếp nhận cán bộ giả của các cơ quan công an.

Chỉ huy Đội 12 – Phòng CSHS, Công an Hà Nội đánh giá thủ đoạn của Điệp cực kỳ tinh vi, sau khi gửi giấy báo giả cho các bị hại để nhận nốt số tiền, đối tượng này đã dùng “sim rác” gọi trực tiếp cho những người có nhu cầu và tự xưng là cán bộ tổ chức hoặc thầy giáo… hướng dẫn họ mang giấy tờ đến những địa chỉ gần các trường học hay cơ quan thuộc ngành công an giao lại các loại giấy tờ giả cho Điệp, nhằm “thu hồi” vật chứng, xóa dấu vết. Hiện CQĐT đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án.

Theo Báo Tiền phong