1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cẩn trọng với những ngành học "ế ẩm" đầu ra

Sư phạm, tài chính – kế toán, kinh tế - quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực… từng là những ngành đào tạo rất “hot” và thu hút được sự quan tâm của nhiều thí sinh trong các mùa tuyển sinh ĐH CĐ. Tuy nhiên, hiện, nguồn cung nhân lực các ngành này đã “quá tải” so với nhu cầu tuyển dụng.

Cơ hội việc làm ngành kinh tế: 1 chọi 90

Nhóm ngành kinh tế bao gồm các chuyên ngành: tài chính, kế toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực…. từng là những chuyên ngành “hot” nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ngành này cũng thu hút được nhiều thí sinh dự thi hàng năm và là “động lực” để các trường ĐH, CĐ đua nhau xin mở ngành để đầu tư đào tạo.

Hiện nay, chỉ tính riêng khu vực Hà Nội có gần 30 trường ĐH CĐ đào tạo các chuyên ngành này như: ĐH Công nghiệp Hà Nội; ĐH Công đoàn; ĐH Thương Mại, Viện ĐH Mở, ĐH Ngoại Thương… Việc “phồng to” quy mô đào tạo ngành này đã khiến hiện nay nhóm ngành kinh tế đang trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp khá cao và đứng trong “top” những vị trí khó tìm việc, nhất tại các thành phố lớn.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên viên tư vấn tuyển sinh của Bộ GD ĐT tại TP.Hồ Chí Minh: “Chỉ tính ở TP Hồ Chí Minh, mặc dù tỷ lệ nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này vẫn ở mức cao nhất (30% trong cơ cấu tuyển dụng), nhưng do lượng cầu vượt cung quá nhiều nên để kiếm được 1 công việc, mỗi ứng viên phải vượt qua 90 người khác. Tức là tỷ lệ chọi 1/90”.

Kết quả khảo sát mới nhất được công bố trong bản tin thị trường lao động quý III năm 2015, Bộ LĐTB& XH cũng cho thấy: Tại Hà Nội, nhóm ngành này đang có sự chênh lệch cung – cầu rất lớn. Cụ thể, ngành kế toán – kiểm toán có cung vượt cầu 11,8 lần, quản trị nhân lực (hành chính, văn phòng) cung vuợt cầu 12,6 lần; nhân viên kinh doanh, bán hàng cung vượt cầu từ 3 – 5 lần.

Thí sinh tham dự mùa tuyển sinh ĐH CĐ năm 2015 tìm hiểu thông tin về các nhóm ngành trước khi nộp hồ sơ (Ảnh chụp tại ĐH Sư phạm Hà Nội).
Thí sinh tham dự mùa tuyển sinh ĐH CĐ năm 2015 tìm hiểu thông tin về các nhóm ngành trước khi nộp hồ sơ (Ảnh chụp tại ĐH Sư phạm Hà Nội).

Tại TP Hồ Chí Minh, theo phân tích về chỉ số cơ cấu cung cầu nhân lực theo ngành vào tháng 2.2016 của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung nhân lực khối ngành kinh tế luôn đứng đầu trong danh sách 40 ngành nghề chênh lệch rất lớn so với nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp. Cụ thể, ngành kế toán – kiểm toán cung chiếm 16,56 % - cầu chỉ cần 3,3% ; tài chính, tín dụng – ngân hàng cung chiếm 3,42% - cầu chỉ cần 0,7%...

Chính vì vậy, thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về cung – cầu khi đăng ký hồ sơ dự thi vào khối ngành này là lời khuyên của ông Cường đối với các thí sinh sẽ tham dự mùa tuyển sinh ĐH CĐ năm nay.

Ông Cường cho biết: “Ngoài việc thích ngành đó ra, các em phải xác định được nếu quyết tâm thi vào khối ngành này việc cạnh tranh tìm kiếm việc làm sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với các ngành khác. Điều này đòi hỏi các em sau khi ra trường bắt buộc phải có ngoại ngữ - tin học tốt, ngoài ra phải trang bị các kỹ năng mềm như làm việc độc lập, tự chủ, thích nghi… để đáp ứng được nhu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng”

Sư phạm: ít chỗ trống

Bên cạnh nhóm ngành kinh tế, sư phạm cũng là nhóm ngành hiện đang phải “báo động đỏ” về dư thừa nhân lực.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GDĐT cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp.

Nguyên nhân về con số dư thừa và thất nghiệp “khổng lồ” nhiều chuyên gia giáo dục từng phân tích là do việc dự báo tình hình giảm số lượng học sinh ở các bậc học do tác động của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình; hệ thống các trường ĐH CĐ sư phạm được mở chưa hợp lý, chỉ tiêu đào tạo chưa được kiềm chế kịp thời và chính sách hỗ trợ học phí đã khiến thí sinh đổ xô thi vào ngành này.

Mặt khác, theo ông Cường giải thích: “Ngành sư phạm không giống các ngành đào tạo khác vì nó có “tuổi thọ” ngành khá dài. Cụ thể, các ngành khác có thể chuyển việc, thay đổi vị trí công tác liên tục thì ngành sư phạm lại không thế. Giáo viên vào biên chế của 1 trường nào đó thông thường sẽ dạy ở đó đến khi về hưu, khoảng hơn 20 năm nếu không có biến cố. Chính vì vậy, cơ hội công việc cho sinh viên mới ra trường hiếm hoi hơn khi lượng giáo viên về hưu mỗi năm không nhiều”.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2015, Bộ GD ĐT đã có nhiều giải pháp để kìm hãm tốc độ và quy mô đào tạo ngành sư phạm như: Ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những đối tượng không được đào tạo sư phạm chính quy; giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm; giới hạn mở thêm ngành trong các cơ sở đào tạo giáo viên; chấm dứt hình thức đào tạo từ xa... Bộ cũng yêu cầu các địa phương đưa thông tin về nhu cầu nhân lực ngành sư phạm, nơi thừa, thiếu, cảnh báo cho học sinh và phụ huynh biết.

Tuy nhiên: “Trong bức tranh tối màu của ngành sư phạm vẫn có một số điểm sáng, ví dụ như các chuyên ngành sư phạm tiểu học, sư phạm mầm non hiện này ở nhiều địa phương vẫn đang thiếu nhân lực. Lời khuyên cho thí sinh ngoài việc phải tự tin về kỹ năng, kiến thức mình được đào tạo trong trường, các em phải tìm hiểu kỹ thông tin về nhu cầu biên chế của địa phương mình trong 5 – 10 năm tới, khả năng tìm việc qua các mối quan hệ, khả năng chịu áp lực thất nghiệp trong thời gian dài… trước khi quyết định theo đuổi ngành sư phạm” – ông Cường nói.

4 Nhóm ngành đang “hot” về nhu cầu nhân lực

Ngược lại với các ngành đang “ế ẩm” thì có 4 nhóm ngành hiện đang có nhu cầu nhân lực rất cao theo điều tra của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh là: Nhóm ngành cơ khí – chế tạo máy; Nhóm ngành điện tử - điện công nghiệp; Nhóm ngành Chế biến tinh và Nhóm ngành Hóa chất – Công nghệ sinh học.

Theo Báo Dân Việt