1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cẩn trọng với “bẫy” lừa chạy việc, xin học

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “chạy việc”, “xin đi học” trên địa bàn TP Hà Nội đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Dù các thủ đoạn không mới nhưng nhiều đối tượng vẫn lừa được không ít người. Do vậy, người dân cần cẩn trọng trước những thông tin này.

Để tránh bị lừa, người lao động nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín để tìm việc. Ảnh: Bá Hoạt
Để tránh bị lừa, người lao động nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín để tìm việc. Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều người vẫn bị mắc “bẫy”

Ngày 19-4 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang nhóm đối tượng, gồm: Đặng Thị Thoan (sinh năm 1995, trú ở tỉnh Hưng Yên); Bùi Thị Mai Hương (sinh năm 1973, trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội); Lê Đức Mạnh (sinh năm 1992, trú ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội); Lại Văn Tiến (sinh năm 1986), Nguyễn Văn Huynh (sinh năm 1990), Nguyễn Hoài Anh (sinh năm 1988) cùng trú ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, đang có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại quận Hà Đông.

Trước đó, một số người dân đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị nhóm đối tượng nhận hồ sơ, tiền từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng hứa hẹn xin việc làm nhưng sau đó đã “biến mất”. Theo cơ quan chức năng, từ đầu tháng 4-2018 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 40 nạn nhân trên địa bàn Hà Nội.

Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó Đội trưởng Đội hướng dẫn, điều tra án kinh tế (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ) cho biết, nắm bắt được nhu cầu việc làm của người dân tăng cao vào dịp đầu năm, nhóm đối tượng này đã giả danh chủ các công ty, cơ sở có nhu cầu lao động để tiếp cận các nạn nhân.

Các đối tượng hoạt động tại nhiều địa điểm như nhà trọ, bến xe, bến tàu... lừa đảo những người ngoại tỉnh đến Hà Nội tìm việc làm. Nhằm tạo lòng tin, các đối tượng đưa ra những giấy tờ có chữ ký, địa chỉ “khống”, giả mạo để đưa cho nạn nhân. Sau khi nhận những khoản tiền “đồng phục, tiền đặt cọc và lệ phí hồ sơ”, các đối tượng nhanh chóng thay đổi số điện thoại để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo với người khác.

Ngoài lừa “chạy việc”, một phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác cũng được tội phạm sử dụng nhiều là “xin đi học”. Vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Thu Hương (sinh năm 1976, ở quận Hoàng Mai) 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến 12-2014, Hương giới thiệu với nhiều người rằng mình là giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các bộ, ngành nên có khả năng xin đi học tại các trường thuộc ngành công an, trường đại học.

Tin lời nữ “giảng viên”, 4 người đã nộp hồ sơ cho 13 trường hợp với tổng số tiền 2,59 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Hương đã bỏ trốn và đến tháng 12-2016 thì bị bắt tại TP Hồ Chí Minh.

Các đối tượng lừa đảo “xin đi học” đều có chung một cách chủ động tiếp xúc, làm quen với nhiều người, thậm chí kể cả những người đã quen biết từ trước để đưa ra các thông tin không có thật như có người thân, quen biết hoặc chính bản thân mình là cán bộ cấp cao công tác ở các bộ, ngành.

Các đối tượng cũng nhắm vào những ngành học hấp dẫn như công an, quân đội hoặc các trường đại học thuộc tốp đầu về đào tạo để các nạn nhân dễ bị mắc lừa.

Cảnh giác trước các thủ đoạn

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội cho biết, mặc dù thủ đoạn của tội phạm lừa đảo “chạy việc”, “xin đi học” không có gì mới, song vì nhu cầu việc làm, học tập, các nạn nhân đã tin tưởng vào những lời hứa hẹn của các đối tượng. Thậm chí, nhiều trường hợp, dù việc của bản thân nạn nhân chưa có kết quả nhưng vẫn giới thiệu thêm các trường hợp khác khiến nhiều người cùng sập “bẫy”.

Việc điều tra, xác minh thủ đoạn của các đối tượng này cũng rất khó khăn. Bởi, quá trình trao đổi, thỏa thuận chỉ là giao dịch dân sự, đối tượng rất cảnh giác khi giao nhận tiền, chỉ ghi là vay mượn để sử dụng mục đích cá nhân, hoặc viết giấy nhận nợ để “lách luật”. Sau khi chiếm đoạt tài sản, nhiều đối tượng đã bỏ trốn khiến công tác bắt giữ, điều tra kéo dài. Đối với các bị hại, do mặc cảm với những người xung quanh và tâm lý biết khó đòi lại được tiền nên đã im lặng, không tố giác tội phạm.

Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an quận Đống Đa cho rằng, người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước phương thức lừa đảo “chạy việc”, “xin đi học” để chiếm đoạt tài sản. Mỗi người dân khi có nhu cầu việc làm cho bản thân hoặc thân nhân cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng, các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội…, hoặc đến trực tiếp các cơ sở đào tạo để được tiếp nhận những thông tin chính xác, từ đó có những lựa chọn phù hợp với khả năng, sức lao động của mỗi người.

Theo Tiến Thành/Báo Hà Nội mới