1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cận tết, coi chừng sập bẫy việc làm

Cận Tết, nhu cầu việc làm thêm, thời vụ lại tăng cao, thông báo tuyển dụng giăng khắp nơi với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, không ít người đã trở thành nạn nhân của lừa đảo.

Đa phần các Cty này đăng thông báo tuyển dụng ở nhiều vị trí công việc như làm bảo vệ, bán hàng, giao hàng,…với mức lương, chế độ hấp dẫn từ 4,5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng hoặc mỗi ca 8h với tiền công từ 150 - 300 nghìn đồng, bao ăn ở và có thêm các phụ cấp khác nếu làm tốt, tăng ca.


Người lao động nên đến các Trung tâm DVVL có uy tín để được tư vấn và giới thiệu miễn phí, tránh đến các trung tâm môi giới mất tiền cò. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Người lao động nên đến các Trung tâm DVVL có uy tín để được tư vấn và giới thiệu miễn phí, tránh đến các trung tâm môi giới mất tiền cò. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Sập bẫy

Mặc dù cam kết với mức lương, chế độ phụ cấp hấp dẫn nhưng anh Trần Hoàng Nhân (SN 1989, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, khi tìm đến Cty bảo vệ B.A (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM) thì được yêu cầu đóng phí 350 nghìn đồng và được giới thiệu xuống Cty N.T.L (quận Bình Tân, TPHCM) làm việc. Tại Cty này, anh nộp hồ sơ và ký hợp đồng thì mức lương và chế độ chỉ 3,5 triệu đồng và làm 12h mỗi ngày.

Anh Nhân chấp nhận vào làm, phía Cty giữ lại chứng minh nhân dân. “Hai ngày đầu, tôi được điều đến mục tiêu bảo vệ siêu thị ở quận Gò Vấp và có xe đưa đón. Tuy nhiên đến ngày thứ 3 trở đi, tôi phải đi xe máy cá nhân đến làm việc. Mỗi ngày, Cty liên tục điều tôi đi từ nơi này đến nơi khác, mỗi nơi bảo vệ không quá 2 tiếng. Trong khi cam kết làm việc tôi được nhận vào làm việc cố định ở siêu thị tại quận Gò Vấp”, anh Nhân bức xúc.

Bị “hành”, anh Nhân xin nghỉ việc thì phía Cty yêu cầu phải đóng phí đào tạo 1,5 triệu đồng. Sau khi khiếu nại, anh Nhân được yêu cầu phải nộp 800 nghìn đồng thì Cty mới trả chứng minh thư. Anh Nhân quay lên Cty bảo vệ B.A đòi lại 350 nghìn đồng thì phía Cty không trả vì chưa làm việc đủ 6 tháng. Anh Nhân đành ngậm ngùi mất tiền, làm không công hơn 10 ngày, lại mất luôn chứng minh nhân dân.

Còn anh Đinh Quốc Đình (SN 1988, quê Lâm Đồng) từ quê vào Sài Gòn làm đành ngậm ngùi đóng phạt gần 500 nghìn đồng tiền hư hao đồng phục cho 12 ngày làm mới lấy lại chứng minh nhân dân. Tiền công gần 2 triệu đồng cho những ngày trên cũng không lấy được mà bị Cty trừ vào khoản các phí đào tạo.

Nhiều sinh viên cũng dính bẫy của các Cty tuyển dụng việc làm Tết. Anh Nguyễn Minh Đức (SV năm 1, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TPHCM), chỉ mới nộp đơn xin việc nhưng sau đó không có nhu cầu làm thêm, Đức rút lại chứng minh nhân dân thì phía Cty bảo vệ N.T.L (quận Bình Tân, TPHCM) yêu cầu phải đóng 100 nghìn đồng.

Không may mắn một nhóm sinh viên của trường ĐH Công nghệ thực phẩm bị bảo vệ Cty B.A hành hung, thương tích khi đến đòi lại chứng minh nhân dân và 350 nghìn đồng tiền nộp phí trước đó vì nhóm bạn của Tâm không có nhu cầu làm việc tại đây nữa.

Nhóm SV này cho biết, khi hay tin Cty đăng tuyển trên mạng làm bảo vệ cho các siêu thị với mức lương khá cao vào những ngày Tết nên đến đăng ký, nộp phí. Cty giới thiệu xuống siêu thị CoopMart (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh), tới nơi thì bộ phận nhân sự siêu thị này cho biết không có nhu cầu tuyển người. Nhóm này trở lại Cty, yêu cầu lấy lại tiền phí và chứng minh nhân dân thì Cty không trả và bị bảo vệ Cty này hành hung khiến bị thương.

Ngay sau đó, công an phường đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Trả lời phóng viên báo Tiền Phong chiều 13/1, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch quận 12 (TPHCM) cho biết, quận đã yêu cầu công an điều tra làm rõ vụ việc. Nếu phát hiện phía Cty giới thiệu việc làm có những sai phạm tới đâu thì sẽ xử lý tới đó.

Tỉnh táo tìm việc

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng hỗ trợ đời sống sinh viên (thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM) khuyến cáo, gần Tết là thời điểm lừa đảo lao động nhiều vì thế người lao động nên cẩn thận khi đi tìm việc. “Trước khi tìm việc, các bạn nên tìm hiểu về Cty tuyển dụng, trung tâm giới thiệu việc làm, tuyệt đối không nộp tiền trước hay tạm ứng bất cứ thứ gì. Xem kỹ thời gian kết thúc, điều kiện cụ thể bởi có nhiều Cty chỉ khi làm đến ngày cuối cùng mới trả lương nên không ít bạn nghỉ ngang bị thiệt thòi về thu nhập…”, ông Hoàng nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm (thuộc Thành Đoàn TPHCM), để tránh những tranh chấp lao động không đáng có, người lao động nên tỉnh táo, cần yêu cầu có một bản hợp đồng, phải thỏa thuận trước khi làm việc. “Đây được xem như một bản cam kết để hai bên có trách nhiệm với nhau, tránh trường hợp người lao động nghỉ việc giữa chừng gây khó khăn cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì trả lương đầy đủ, đúng thời gian như cam kết…”, ông Sang cho biết.

Theo ông Sang, việc làm những ngày cận Tết rất phong phú, nên người lao động có thể đến các văn phòng của Trung tâm để được tư vấn và giới thiệu miễn phí, tránh đến các trung tâm môi giới để phải mất tiền cò.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Cty Luật TNHH Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM) khuyến cáo, người tìm việc không nên giao các bản gốc giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ cho các Cty, trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tránh việc bị lợi dụng hoặc gây khó dễ về sau. Theo ông Chánh, người lao động cần mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các Cty làm dịch vụ này.


Theo Báo Tiền Phong