1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cần quy định linh hoạt về đào tạo ATVSLĐ cho người lao động

(Dân trí) - “Dự thảo luật ATVSLĐ không nên quy định “cứng” về thời gian và nội dung huấn luyện cho người lao động. Doanh nghiệp cần sự tự chủ khi phân công người lao động và thời gian phù hợp với việc đào tạo. Họ cũng có quyền cấp chứng chỉ hoặc ghi nhận lại sự kiểm tra”.

Vụ tai nạn do mất an toàn lao động tại Hà Tĩnh
Vụ tai nạn do mất an toàn lao động tại Hà Tĩnh thời gian qua
Quan điểm của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong Hội thảo khu vực phía Bắc tham vấn về Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động do Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức hôm 7/4 tại Hà Nội.

Vị đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, trong các ngành nghề đơn giản hoặc lắp ráp đơn thuần, yếu tố nguy hiểm hầu như không nhiều.

Thậm chí trong cùng thao tác nhưng việc sử dụng máy móc ra sao cũng tạo ra sự an toàn khác nhau. Dự thảo Luật ATVSLĐ gần đây nhất đã tiếp thu ngành nghề có yếu tố rủi ro cao, nhưng cần có nghiên cứu và phản ánh rõ nét hơn để có thể có những quy định đi kèm.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục ATVSLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, những tiếp thu liên quan tới dự thảo Luật ATVSLĐ bao gồm việc bổ sung các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến trong ATVSLĐ, tăng cường huấn luyện ATVSLĐ cho đối tượng trong khu vực không có quan hệ lao động, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động khi tham gia tập huấn ATVSLĐ…

Dự kiến, dự thảo Luật ATVSLĐ sẽ được tiếp tục đưa ra bàn thảo tại kỳ hợp Quốc hội tới đây.

Đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, danh mục ngành nghề độc hại của Việt Nam đã hơn 20 năm nhưng chưa xem xét lại. Đồng thời, công tác đánh giá lại danh mục trên cần sự đối chiếu theo chuẩn quốc tế và tham khảo ý kiến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực liên quan.

Cũng bàn tới công tác huấn luyện ATVSLĐ, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, quy định trong dự thảo đã ghi rõ trách nhiệm của người sử dụng phải huấn luyện cho người lao động trước khi làm việc.

“Chỉ với những ngành nghề có nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao, môi trường không đảm bảo chủ sủ dụng có thể thuê các chuyên gia hoặc cơ quan quản lý Nhà nước phải giúp cho chủ sử dụng lao động huấn luyện cho người lao động” - ông Bùi Sĩ Lợi nói.

Trường hợp người lao động được người sử dụng lao động huấn luyện thì sẽ được cấp thẻ ATLĐ để vào làm việc. Khi cơ quan Nhà nước phát hiện người lao động không có thẻ ATLĐ, trách nhiệm sẽ thuộc về người sử dụng lao động.

Các đại biểu bổ sung thông tin cho dự luật ATVSLĐ
Các đại biểu bổ sung thông tin cho dự luật ATVSLĐ

Với các Trung tâm huấn luyện của Nhà nước có thể được thành lập và kinh doanh. “Các trung tâm này có thể thu phí và chịu trách nhiệm trước người sử dụng lao động trong công tác đào tạo. Tất nhiên đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện” - ông Bùi Sĩ Lợi cho biết.

Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong việc chuyển 1 phần kinh phí từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để phục vụ công tác huấn luyện ATVSLĐ.

Ông Bùi Sĩ Lợi cho biết, trong dự thảo luật có quy định 2 chính sách bổ sung liên quan tới bảo hiểm TNLĐ. Cụ thể hỗ trợ kinh phí cho người lao động quay trở lại thị trường lao động sau khi điều trị chấn thương tai nạn lao động.

Ngoài ra, kinh phí từ quỹ an toàn vệ sinh, bệnh nghề nghiệp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp một phần nhằm phục vụ đào tạo người lao động làm các công việc có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, vị Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nêu vấn đề: Mức hỗ trợ bao nhiêu để quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp không bị mất cân đối? Vì kinh phí huấn luyện cho chủ sử dụng là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 phần cho doanh nghiệp thực hiện những công việc khó khăn.

Hoàng Mạnh

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng đồng tình quan điểm cho rằng những ngành nghề không có nguy cơ cao thì doanh nghiệp có thể tự chủ trong việc đào tạo cho người lao động. Đây là việc giúp giảm sức ép lên hệ thống đào tạo ATVSLĐ hiện có của các cơ quan Nhà nước.

“Ngay cả khi dự luật ATVSLĐ được thông qua, việc phân loại các ngành nghề độc hại, nguy hiểm để nghiên cứu sẽ đặt lên vai các cơ quan Nhà nước và cơ quan nghiên cứu nhiều việc cần làm. Trước đây, các cơ quan nghiên cứu chủ yếu tập trung nghiên cứu về phương tiện phòng chống tai nạn lao động” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.