Cần hơn 100.000 nhân sự ngành công tác xã hội

“Trung bình 1.000 dân cần có 1 nhân viên công tác xã hội (CTXH), 500 dân phải có 1 nhân viên bán chuyên nghiệp. Như vậy, với số lượng khoảng 90 triệu dân, Việt Nam cần tới 90.000 nhân viên CTXH và khoảng 180.000 người làm bán chuyên nghiệp”.

Đối tượng yếu thế trong xã hội nhiều, đòi hỏi sự trợ giúp của đội ngũ nhân viên CTXH có nghiệp vụ.
Đối tượng yếu thế trong xã hội nhiều, đòi hỏi sự trợ giúp của đội ngũ nhân viên CTXH có nghiệp vụ.

Ông Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội (Hội dạy nghề VN) - trao đổi với phóng viên Dân trí về công tác đào tạo nhân lực ngành công tác xã hội tại Việt Nam hiện nay.

<?> Thưa ông, bên cạnh yếu tố về chính sách và tài chính, yếu tố nhân lực đang đóng vai trò khá quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực CTXH. Từ góc nhìn của Hiệp hội, ông đánh giá ra sao về nhu cầu đào tạo nhân lực ngành CTXH hiện nay?

- Cả nước hiện có trên 30 trường ĐH và gần 10 trường nghề đang đào tạo ngành CTXH ở nhiều cấp độ khác nhau như thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo ngắn hạn. Để đáp ứng được 90.000 nhân viên CTXH chuyên nghiệp cần tới hơn 20 năm nữa.

Chưa kể số nhân sự này có thể 40 - 50% trong số này thuyên chuyển hoặc thăng tiến. Vì vậy, công tác đào tạo bổ sung sẽ liên tục. Về đội ngũ giảng viên, hơn 30 trường sẽ cần khoảng 1.200 giảng viên.

Trong khi đó, xu hướng của quốc tế cần ở mỗi quận, huyện có 1 trung tâm. Mỗi trung tâm cần 20 người, Việt Nam đang có 700 quận, huyện thì cần đội ngũ rất lớn bổ sung. Trong khi đó, công tác xã hội chủ yếu tập trung ở cấp quận, huyện là chính.

Như vậy, chúng ta luôn phải duy trì một đội ngũ nhân lực hơn 100.000 nhân viên và giảng viên CTXH.

Ông
Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội
Ông Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội

<?> Trong mục tiêu đào tạo lớn như vậy, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì hệ thống các trường đào tạo nghề CTXH đang gặp phải nhiều khó khăn, thưa ông?

- Khó khăn đầu tiên là đội ngũ giảng viên còn chưa hoàn thiện. Đa số giảng viên đều xuất phát từ các ngành khác chuyển sang. Tuy nhiên, trong vòng 4-5 năm tới, đội ngũ này sẽ có sự chuẩn hóa, đa số trình độ giảng viên sẽ đạt tới bậc thạc sĩ, tiến sĩ.

Cơ sở thực hành còn yếu và thiếu. Chúng ta mới bắt đầu từ mô hình trung tâm bảo trợ xã hội. Đa số sinh viên vẫn phải thực hành nghề tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Trong khi đó, trung tâm bảo trợ tính chất chủ yếu là nuôi dưỡng. Còn trung tâm CTXH có thêm những chức năng tư vấn, tham vấn và hỗ trợ.

Đội ngũ kiểm huấn viên (đào tạo thực hành) cũng còn thiếu. Đây là những mắt xích quan trọng nhằm giúp sinh viên nắm bắt thực hành nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch thực hiện, đánh giá đối tượng, tiếp cận đối tượng, tiếp cận nguồn lực nâng cao năng lực ra sao.

Trong khi đó, chương trình đào tạo vẫn còn chưa chuẩn hóa. Mỗi trường dạy theo một kiểu khác nhau. Nhiều nơi có giảng viên ngành xã hội học dạy thì sẽ bị ảnh hưởng theo kiểu định tính của ngành xã hội học chứ không thực hành. Trong khi đó, ngành CTXH đòi hỏi thực hành theo nhóm, cộng đồng, gia đình nhiều.

Mặc khác, cơ sơ vật chất đào tạo cho nghề CTXH còn có khoảng cách xa với thế giới. Tại Mỹ, họ có hệ thống CNTT, máy chiếu hình ảnh giúp giảng viên hạn chế thời gian để mô tả những ví dụ. Có như vậy, lượng kiến thức được tích hợp nhiều hơn cho người học.

<?> Sản phẩm của quá trình đào tạo là những sinh viên tốt nghiệp. Mặc dù nhu cầu về nhân lực CTXH đang lớn, nhưng thực tỉ lệ sinh viên ngành CTXH chưa có nhiều việc làm còn nhiều, không ít sinh viên làm việc trái ngành nghề, thưa ông?

- Câu chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học làm trái ngành nghề rất nhiều, trong đó có ngành CTXH. Với riêng ngành CTXH, tôi có thể khẳng định vấn đề tìm việc làm đúng ngành không khó.

Các địa phương trong xu thế phát triển ngành đang tuyển nhân lực học đúng ngành nghề rất nhiều. Chỉ những trường hợp sinh viên có học lực khiêm tốn thì có thể bị trượt ở các khâu thi tuyển ở các cơ sở.

Trong khi đó, như đã nói ở phần trên, nhu cầu nhân viên CTXH rất lớn. Đơn cử như Bộ GD - ĐT đang chuẩn bị triển khai đề án CTXH tại trường học. Với 100 ngàn trường học, mỗi trường học cần 1 nhân viên CTXH thì con số nhân lực cần cũng tới 100.000 người.

Vậy, tại sao vẫn có những sinh viên không làm đúng ngành hoặc vẫn thất nghiệp?

Theo tôi một trong những nguyên nhân chính là cơ chế tiền lương trong ngành CTXH chưa đủ hấp dẫn đối với bạn trẻ. Họ muốn làm nghề nào đó có lương cao hơn. Đây là một rào cản khiến nhiều bạn trẻ chưa vào nhiều.

- Xin cảm ơn ông

Phan Minh thực hiện

Chùm tin liên quan:

Đã Nẵng: Hoàn thành mạng lưới trợ giúp NKT tại phường xã. Đây là kết quả triển khai sau 4 năm thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32) tại thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, thành phố đã lập mạng lưới quản lý trường hợp/giám sát trợ giúp người khuyết tật tại 56 xã, phường với sự tham gia của gần 200 cán bộ của 3 ngành LĐ-TB&XH, y tế và giáo dục; nâng cao kỹ năng thực hành nghề của cán bộ CTXH tại địa phương…

Quảng Ninh: Gần 2.000 cộng tác viên CTXH được hưởng phụ cấp lương. Để triển khai công tác phát triển nghề CTXH, toàn tỉnh đã có 1.950 công tác viên được hưởng phụ cấp 0,2 mức lương tối thiểu/người/tháng. Trung tâm CTXH tỉnh xây dựng thí điểm mô hình các văn phòng CTXH tại huyện Tiên Yên, thị xã Quảng Yên, TP.Hạ Long và TP.Móng Cái với 75 nhân viên. Đây là cơ sở cho việc phát triển hệ thống dịch vụ CTXH trên toàn tỉnh.

Thái Nguyên: Hỗ trợ 800 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng. Đây là kết quả triển khai của Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên (Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên) thời gian qua. Trong đó, có 13 trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, 11 trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh, trên 300 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được kết nối, kêu gọi hỗ trợ với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng.

Khánh Hòa: Hình thành đội ngũ cộng tác viên CTXH tại gần 140 xã, phường. UBND tỉnh Khành Hòa đã hình thành cộng tác viên CTXH tại 137 xã, phường, thị trấn. Trong năm 2015, Tỉnh phấn đấu thành lập trung tâm CTXH và thành lập 4 trung tâm BTXH đặt tại các huyện, thị xã, thành phố. Sở LĐ-TB&XH tỉnh phát hành hơn 20.000 tờ rơi tuyên truyền về nghề CTXH, mở hơn 10 lớp tập huấn nghề CTXH cho hơn 1.000 lượt cán bộ các cấp.

Thanh Hóa: Truyền truyền cho 1.600 cán bộ xã thôn và đối tượng yếu thế về CTXH. Kết quả này sau 2 năm hoạt động của Trung tâm CTXH tỉnh Thanh Hóa (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa). Trung tâm đã tổ chức quản lí, hỗ trợ và kết nối cho 199 ca đối tượng yếu thế tại cộng đồng, tổ chức 23 lớp tập huấn nghề CTXH cho 195 cán bộ cấp tỉnh, 162 cán bộ cấp huyện và 1.263 cán bộ cấp xã và 1 lớp đại học chuyên ngành CTXH cho 86 học viên.

Bến Tre: Khai giảng khóa đào tạo “Kỹ năng chăm sóc và dự phòng rối nhiễn tâm trí trẻ em”. Khóa học vừa được Trung tâm Đào tạo và Phát triển Nghề CTXH và Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bến Tre tổ chức, thu hút 50 cán bộ, nhân viên, giáo viên và cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Khóa học cung cấp kiến thức bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các trường hợp rối nhiễu tâm trí thường gặp.