Căn cứ để được hưởng chế độ BHYT cao hơn

Bà Ngọ Thị Thu (tỉnh Thanh Hoá) là con gái duy nhất của liệt sĩ, tháng 8/2011 được tuyển dụng là công chức tại UBND phường, đóng BHYT theo quy định. Bà Thu hỏi, bà có được hưởng BHYT theo chế độ của con liệt sĩ không? Nếu được thì cần làm thủ tục như thế nào? Nếu đã đóng BHYT thì có được hoàn trả không?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Tại Khoản 2 Điều 13 sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: “Trường hợp 1 người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này” và quy định tại Khoản 2 Điều 22 sửa đổi, bổ sung tại Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 như sau: “Trường hợp 1 người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Vì vậy, theo nội dung câu hỏi thì bà thuộc đối tượng đóng BHYT theo nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.

Để được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn theo đối tượng thân nhân của người có công với cách mạng; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ thì bà cần cung cấp một trong các loại giấy tờ sau đến cơ quan BHXH để được hướng dẫn giải quyết:

Giấy Chứng nhận gia đình liệt sĩ hoặc Quyết định cấp Giấy Chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Giấy xác nhận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi tiếp nhận, quản lý hồ sơ và làm thủ tục mua BHYT cho thân nhân của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH.

Theo Chinhphu.vn