1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cam kết tạo việc làm bền vững, xây dựng quan hệ lao động hài hoà

(Dân trí) - Những cam kết giữa đại diện 4 bên, gồm cơ quan Nhà nước quản lý về lĩnh vực lao động, người lao động và người sử dụng lao động cùng ILO nhằm tập trung vào phát triển ổn định việc làm, an sinh xã hội và quản trị thị trường lao động.


Các bên cam kết thực hiện thoả thuận 2017-2021 về việc làm bền vững (ảnh: Thanh Phúc)

Các bên cam kết thực hiện thoả thuận 2017-2021 về việc làm bền vững (ảnh: Thanh Phúc)

Đây là nội dung chính của Lễ ký kết hợp tác trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021, được tổ chức vào chiều ngày 5/12 tại Hà Nội.

Các cam kết nhằm xây dựng khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các đối tác tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới với mục tiêu hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người.

Những đối tác chính nhằm thực hiện chương trình của ILO tại Việt Nam, gồm: Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: “Trong chu kỳ hợp tác mới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội”.

Theo ILO, đây là chương trình khung hợp tác việc làm bền vững lần thứ 3 kể từ khi Việt Nam gia nhập trở lại ILO vào năm 1992. Sự hợp tác đầu tiên giữa ILO và Việt Nam là vào năm 1994 nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Bộ Luật Lao động trong bối cảnh Việt Nam phải hình thành khuôn khổ pháp lý mới để quản trị thị trường lao động trong quá trình Đổi mới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ILO và các đối tác xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện khung hợp tác này. Trước mắt, cần tập trung tiếp tục hỗ trợ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, và xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và tiền lương, nghiên cứu phê chuẩn một số công ước chính của ILO, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.

Được biết, ILO và các đối tác đã thống nhất xác định 3 ưu tiên quốc gia trong thời gian tới, bao gồm: Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; và xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.

Theo ông Chang - Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2021 nên được sử dụng như pha chuyển đổi sang một hình thức hợp tác và đối tác mới, từ việc tập trung vào nguồn lực sang tập trung vào kiến thức.

Trong giai đoạn này, sự hỗ trợ cần được đồng thời dành cho các đối tác ba bên (Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) ở cấp địa phương nhằm trang bị cho họ năng lực tổ chức để tiến hành những thay đổi mang tính bền vững.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Từ 1/1/2018: Phạt tù tới 3 năm nếu sa thải lao động trái pháp luật

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Người sử dụng lao động khi sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị phạt tiền, thậm chí có thể bị xử từ từ 1-3 năm.

Điều 162, Bộ Luật hình sự quy định “Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật”. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Các hành vi thực hiện gây hậu quả nghiêm trọng như trên, gồm: Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; sa thải trái pháp luật đối với người lao động; cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với 2 người trở lên; đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác. Ngoài ra, Điều 162 còn quy định người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

H.M