1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cạm bẫy ngọt ngào giữa muôn trùng “buôn”

(Dân trí) - Thế giới công sở không chỉ là những ngày chạy theo công việc với chỉ tiêu, mà còn là những buổi cơm hộp - trà trưa, nơi giao lưu, phát tán đủ loại cảm xúc hỷ nộ ái ố…

Cả hội cùng buôn

“8 tiếng làm việc mỗi ngày, chẳng lẽ chỉ chúi mũi vào công việc? Phải có những lúc xả hơi, xả stress chứ.” Dường như đây đã là triết lý chung của giới văn phòng. Chút giây phút được cho là thư giãn ấy không gì tốt hơn là dành cho tiết mục “kể cho nhau nghe” - vừa thắt chặt tình đồng nghiệp vừa nắm bắt thông tin.

Có lẽ vì thế mà Duyên, dù chỉ mới chân ướt chân ráo gia nhập vào công ty, cũng đã nhanh nhảu tham dự đầy đủ các buổi “hội nghị bình (phẩm) than (thở)” của cả phòng. Những câu chuyện liên tu bất tận về dưa cà mắm muối, thời tiết nắng mưa, người A kẻ B ngốn khá nhiều thời gian của Duyên, khiến cô ngày nào cũng phải ở lại trễ để hoàn thành nốt công việc. Dần dần, “thông tin” cập nhật ngày càng nhiều nhưng chẳng thấy bổ đâu vào đâu, chỉ thấy Duyên miễn cưỡng gồng mình với những câu chuyện trên trời dưới đất và hàng tá công việc chất đống từng ngày.

Hùng lại rơi vào trường hợp khác. Vốn tính ít nói và hướng nội, Hùng chỉ thích chú tâm vào việc, chứ không thích tham gia hội nghị bàn tròn của các chị cùng phòng. Vì thế mà anh nhanh chóng bị mọi người gán mác “làm cao”, “không hòa đồng”, rồi bị thêu dệt là “gián điệp hai mang” của sếp… Cực chẳng đã, anh đành tham gia ừ hử lấy lệ. Nhưng sau mỗi lần người này tạt ngang hỏi thăm, người kia ghé qua bắt chuyện, Hùng lại chật vật quay trở lại công việc thiết kế của mình vốn rất khó ráp nối mạch ý tưởng sau mỗi lần đứt đoạn.

Cú hố chân không ngờ

Với một số người, chuyện buôn có thể là những cạm bẫy hết sức “ngọt ngào”…

Là người có năng lực và nhiệt tình trong công việc, Vinh được sếp tin tưởng cho tham dự vào các kế hoạch chiến lược của công ty. Trong một bữa ăn tối với các đồng nghiệp, một phút cao hứng, Vinh vô tình đề cập đến một điểm mấu chốt trong dự án mới mà công ty sắp triển khai. Cứ tưởng chỉ là chút thông tin lúc chén chú chén anh, ai ngờ hai tuần sau Vinh bị sếp khiển trách vì để lọt thông tin ra ngoài khiến công ty đối thủ giành được hợp đồng không chút khó khăn. Sau này Vinh mới biết thông tin bị lộ từ một đồng nghiệp vừa chuyển sang làm việc tại công ty đối thủ nọ. Hèn chi hôm trước anh đồng nghiệp này cứ gợi mở, tìm hiểu thông tin về dự án…

Trúc luôn cảm thấy may mắn vì mình có một người sếp hết sức hợp cạ. Cùng là phái nữ, sếp lại hay thăm hỏi nên Trúc cũng hay kể hết mọi chuyện công ty, đôi khi cũng tâm sự nhiều chuyện gia đình. Đợt cất nhắc lên vị trí trưởng phòng, Trúc bất ngờ khi người được đề bạt không phải là mình. Bấy lâu nay Trúc luôn được xem là người thân cận, cánh tay phải của sếp, thế mà… Trúc đâu biết rằng trong những lúc tỉ tê tâm sự đó, sếp đã biết được kế hoạch sinh con của Trúc trong năm tới cũng như nhận ra Trúc rất ngại đi công tác xa trong khi vị trí trưởng phòng lại đòi hỏi những chuyến công tác liên tục và dài ngày.

Lúc này, những câu “giá như”, “phải chi” của Vinh và Trúc đều đã quá muộn…

Sống sót giữa muôn trùng “buôn”

1.      Nghệ thuật “lảng tránh”: nếu bạn đang dở tay công việc và không muốn tiếp chuyện đồng nghiệp, hãy sử dụng những chiêu sau đây:

·         Nhíu mày – ngó lơ: Thông thường, những người muốn bắt chuyện sẽ nhìn vào mắt bạn để đoán biết bạn có thời gian dành cho câu chuyện của họ hay không? Họ sẽ không dại gì tìm bạn tiếp chuyện khi thấy bạn đang nhíu mày chú tâm vào máy tính và quăng cho họ một cái ngó lơ rõ dài.

·         Đổi ngôi: Nếu đồng nghiệp bước qua bắt chuyện, hãy nói qua loa vài câu rồi sẵn tiện nhờ họ giúp mình một số việc nhỏ như photo, nhờ chuyển cho tài liệu cho một đồng nghiệp khác… Bảo đảm lần sau họ sẽ khoanh vùng chỗ bạn ngồi và tránh xa cho xem.

·         Cầu cứu từ xa: hãy nhanh tay dùng các phần mềm chat nhờ đồng nghiệp khác can thiệp như: giả vờ gọi điện thoại cho bạn, hoặc gọi bạn qua thảo luận công việc… Kẻ buôn chuyện sẽ lập tức bị cụt hứng và trả lại thời gian cho bạn.

·         Trì hoãn: hãy sử dụng cách thông thường nhất nhưng cực kỳ hiệu quả: “Chuyện nghe thú vị đó, tí ăn trưa/ ăn tối mình nói nha”

2.      Nghệ thuật “làm thường dân”: nguyên tắc bất di bất dịch trong đối đáp trò chuyện với các đồng nghiệp lúc cơm trưa trà chiều là nên giữ vai trò “thường dân”, tức tham gia ở mức độ vừa phải, đừng để người khác nghĩ bạn chỉ “ừ hử cho có” và cũng đừng làm trung tâm câu chuyện:

·         Không phụ họa theo khi hôi buôn đề cập và bình phẩm sếp họăc đồng nghiệp khác. Bạn sẽ không bao giờ biết được những lời thêm thắt của minh có đến tai sếp hoặc các đồng nghiệp khác hay không.

·         Không đề cập đến những vấn đề cần bảo mật trong công việc, dù đó chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt nhất, nếu bạn không muốn bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp

·         Không tiết lộ những thông tin cá nhân hoặc chuyện riêng tư của gia đình – những chia sẻ tưởng chừng bình thường này có thể được người khác nhìn nhận khác hẳn, trở thành những chướng ngại cản trở con đường thăng tiến của bạn

·         Sử dụng những cụm từ vô hại như “thế à?”, “vậy ư”, “hay thật”, “cũng thú vị đấy chứ”: bạn vẫn giữ được thái độ trung lập, không cần phải bình phẩm trong khi người nói vẫn cảm thấy bạn quan tâm đến câu chuyện của họ.

Hoàng Vy Ân