Cách mạng 4.0: Giải pháp nào cho lao động Việt Nam?

Sự tác động tiêu cực tới thị trường lao động rất nhiều nhưng cũng có nhiều tiềm năng Việt Nam có thể tận dụng để phát triển.

Lao động cao phải thuê nước ngoài

Cũng chung đánh giá Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0, báo cáo của Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp (chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động).

Đó là những thách thức không nhỏ cho phát triển ngắn hạn và cho định hướng chính sách dài hạn để Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0.

Những cảnh báo cụ thể về sự xuất hiện của các robot hay các dây chuyền tự động hóa, do đó người lao động sẽ có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn. Sự tác động của CMCN 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế trong điều kiện mới.


Giải pháp nào cho lao động Việt Nam thời CMCN 4.0?. Ảnh minh họa

Giải pháp nào cho lao động Việt Nam thời CMCN 4.0?. Ảnh minh họa

Theo báo cáo về quy mô, cơ cấu lao động số Việt Nam năm 2018, ước tính khoảng 94 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động.

Theo thống kê, quý 2/2017, dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 71,85 triệu người, tăng 1,4% so với quý 2/2016. Quy mô LLLĐ từ 15 tuổi trở lên đạt 54,52 triệu người, tăng 0,3% so với quý 2/2016. Quý 2/2017, tỷ lệ tham gia LLLĐ của dân số từ 15 tuổi trở lên là 76,45%, giảm so với quý 1/2017 và so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, cả nước vẫn còn trên 50% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đã xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình song nhìn về cơ cấu lao động vẫn là một nước kém phát triển và tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn trầm trọng.

Báo cáo đánh giá, lực lượng lao động hiện nay của Việt Nam mới chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung. Do đó, ở từng nhóm ngành cụ thể vẫn thiếu hụt lao động chất lượng cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động.

Ví dụ như những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo vẫn đang rất thiếu nhân lực ở phân khúc cao.

Dự báo, trong vòng 5 năm tới, nước ta sẽ thiếu hụt lượng lớn lao động về CNTT, chuyên viên cấp cao khi nguồn nhân lực trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 60-70% nhu cầu của thị trường.

Trong một số lĩnh vực như tài chính ngân hàng, kiểm toán, nhà hàng khách sạn chúng ta cũng vẫn đang rất thiếu đội ngũ chuyên viên cấp cao, CEO, nhà quản lý, phải thuê lao động nước ngoài.

Trong khi đó, về chất lượng lao động, lao động Việt Nam được đánh giá đang phải đối mặt với không ít thách thức và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Hiện lực lượng lao động Việt Nam mới chỉ có trên 23% có bằng cấp, chứng chỉ. Đặc biệt cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo còn bất hợp lý, không thực sự phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Theo thống kê hiện nay, trong số lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ thì hơn 50% là có bằng cấp từ cao đẳng và đại học trở lên, trong khi số có chứng chỉ nghề trình độ trung cấp chỉ chiếm 5,42% và chứng chỉ nghề ngắn hạn chỉ chiếm 5,6% tổng lực lượng lao động.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên quý 2/2017 là 11,78 triệu, tăng 564 nghìn người (5,03%) so với quý 2/2016. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nhóm sơ cấp nghề (8,44%), tiếp đến là nhóm trung cấp (5,01%), nhóm đại học và trên đại học (4,64%) và nhóm cao đẳng (2,98%). Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong tổng LLLĐ là 9,09%; cao đẳng là 3,17%; trung cấp là 5,43%; và sơ cấp nghề là 3,53%.

Theo thống kê, năm 2016, LLLĐ không có tay nghề vẫn chiếm tỷ trọng lớn (38%) trong lực lượng lao động. Trong 9 ngành kinh tế, 50% đến 88% người sử dụng lao động báo cáo có vấn đề về tuyển dụng do thiếu các ứng viên có tay nghề. Trong số 633 công ty liên kết của Nhật Bản tại Việt Nam, 42,5% cho biết chất lượng lao động là một vấn đề trong quản lý. Nhu cầu về CNTT tăng 47% mỗi năm, và để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần thêm khoảng 1 triệu lao động trong ngành này vào 2020 (Việc thiếu các chuyên gia CNTT có tay nghề cao dẫn đến lỗ hổng, đặc biệt là an ninh mạng: Việt Nam được xếp hạng 101 trong số 193 quốc gia về chỉ số an ninh mạng năm 2017. Xếp sau Myanmar, Lào và Campuchia).

Do đó, yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của lao động, kể cả các kỹ năng mềm trong quản lý, tổ chức, tương tác giải quyết vấn đề là rất quan trọng. Đây cũng là giải pháp cho những lao động có trình độ, kỹ thuật cao.

Nghịch lý thất nghiệp tăng, lao động chất lượng thấp

Một vẫn đề khác được Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra là tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt của những người có trình độ đại học (ĐH) thường cao gấp đôi chỉ số thất nghiệp chung của toàn bộ lực lượng lao động.

Đây được xem là nghịch lý tồn tại trong một nền kinh tế khi nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên dôi dư khi nhu cầu vẫn còn rất lớn.

Theo đánh giá, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng trên được chỉ ra là do sự khập khiễng trong quan hệ cung cầu: chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Trong khi đó, xu hướng già hóa dân số đang thể hiện khá rõ nét.

Trong năm 2017, độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 30,4 và được dự báo sẽ là 42,1 vào năm 2050. Do tỷ lệ dân số ở độ tuổi trên 65 gia tăng, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đang suy giảm, kéo theo sự gia tăng chi phí liên quan đến tuổi già và chăm sóc sức khỏe. Đến năm 2050, tuổi thọ dự kiến đạt 82,1, tăng so với 75,6 vào năm 2018.

Đây được xem là những tác động bất lợi tới phát triển thị trường lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều tiêm năng và lợi thế nếu tận dụng tốt và có chính sách đổi mới cơ bản trong việc đào tạo, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, cũng như phát triển thị trường lao động của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam chủ động, thích ứng được với CMCN 4.0.

Theo đó, Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất 5 giải pháp cụ thể:

Một là, cần thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường lao động. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp luật cho thị trường lao động phát triển theo hướng phù hợp với quy luật của thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia vào thị trường lao động, nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tạo sự kết nối với thị trường lao động quốc tế, trong đó trước mắt cần quan tâm: thiết lập hệ thống thúc đẩy sự lưu chuyển của lao động có kỹ năng trong ASEAN, tạo lập thông tin về thị trường lao động, thường xuyên cập nhật và phổ biến hiệu quả.

Hai là, cần điều chỉnh, cơ cấu lại lực lượng lao động. Quan tâm, giải quyết và phân luồng "mạnh" lực lượng lao động vào tuổi; đào tạo và đào tạo lại người lao động đang làm việc nhưng có nguy cơ mất việc, sa thải, đặc biệt ở ba lĩnh vực: giày da, dệt may, công nghệ.

Cần làm tốt công tác dự báo cung - cầu lao động trong khối giáo dục nghề nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các chính sách hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhà nước cần tạo ra hệ thống pháp lý thúc đẩy cái mới, khuyến khích cái mới, để sự sáng tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn với đó là việc tạo ra nghề mới, việc mới và cách thức hỗ trợ DN làm sao để chi phí chuyển đổi là nhỏ nhất.

Xử lý tốt mối quan hệ giữa tự động hóa và bảo đảm việc làm, trước hết, đào tạo và giáo dục cần phản ánh nhu cầu của nền kinh tế; xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho người thất nghiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cải cách để bảo vệ người lao động trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tự động hóa.

Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề. Xây dựng nền giáo dục theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Cải cách mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục và đào tạo.

Đổi mới các chương trình đào tạo từ bậc phổ thông cho đến dạy nghề và đào tạo trong các trường đại học trên tinh thần tương thích với một khung trình độ, trước hết là của ASEAN, sau đó là khung trình độ quốc tế. Trong đó cần quan tâm xây dựng môi trường Tri thức Việt số hóa, thu thập, tổng hợp các kiến thức của Việt Nam và của các nước để biên tập lại dưới dạng hỏi đáp đơn giản cho mọi ngành nghề, lứa tuổi; cố gắng tạo kho dữ liệu và khuyến khích các startup trẻ tận dụng kho dữ liệu để tạo ra nhiều ứng dụng thông minh cho mọi người, vừa để phát triển việc khởi nghiệp vừa tạo ra ứng dụng hỗ trợ thuận lợi hơn cho người dân trong việc học tập và cuộc sống nói chung.

Điều này khẳng định, giáo dục cho tương lai cần chú trọng hơn vào đào tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng mềm; đồng thời tạo ra cơ sở chung cho những khu vực có trình độ không đồng đều hay sự thiếu đồng nhất giữa tốc độ già hóa dân số ở các quốc gia.

Về đào tạo nghề: Đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận bị mất việc do áp dụng công nghệ mới; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các trường dạy nghề và đào tạo chuyên nghiệp. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong cả nước.

Ngoài kỹ năng nghề nghiệp cần được trang bị nhiều hơn những kỹ năng và trình độ như ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp hiệu quả, lắng nghe tích cực và tư duy phê phán, khả năng nhận thức có tính sáng tạo và lập luận toán, giải quyết vấn đề. Theo đó người lao động sẽ phải nâng cao trình độ chuyên môn, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của công nghệ và sản xuất.

Chẳng hạn, người lao động sẽ đóng vai trò là những người giải quyết vấn đề một cách sáng tạo khi khắc phục một lỗi, sự cố hoặc để tối ưu hóa các quy trình sản xuất. Điều này đòi hỏi người lao động phải có các kiến thức về hệ thống, quy trình, phương pháp và công nghệ phù hợp.

Các kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin như lập trình, kỹ năng liên ngành, khai thác dữ liệu lớn, an toàn thông tin, an ninh mạng kỹ năng kỹ thuật để xử lý các phương tiện kỹ thuật số; kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông một cách hợp lý và hiệu quả; các năng lực STEM; khả năng xử lý thông tin phức tạp và quản lý dữ liệu... là các kỹ năng quan trọng của người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó các kỹ năng mềm như tự quản lý và tự tổ chức, kỹ năng giao tiếp, tương tác và giải quyết vấn đề, quản lý dự án... cũng rất quan trọng.

Bốn là, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo của lực lượng lao động. Nhà nước cần đẩy mạnh quá trình hoàn thiện thể chế về đổi mới, sáng tạo như khung khổ pháp luật về doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh và các điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính... Các khung khổ pháp luật này cần được hoàn thiện và có tính ổn định để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Nhà nước thông qua các công cụ như hỗ trợ vốn trực tiếp hoặc ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện R&D.

Chính phủ cần thúc đẩy thực hiện những chính sách thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và tạo điều kiện để các hoạt động này lan tỏa sang các doanh nghiệp trong nước. Cần khuyến khích các chương trình hợp tác công - tư về R&D và đổi mới sáng tạo nhằm tập trung và tận dụng nguồn lực, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu nhà nước với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Cần tránh tình trạng đầu tư dàn trải, rót vốn cho nhiều cơ sở nghiên cứu thuộc nhiều kênh khác nhau, như: Bộ chủ quản, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND địa phương, Sở khoa học và công nghệ... đối với cùng một vấn đề nghiên cứu. Xây dựng chiến lược rõ ràng về phân công lao động giữa các cơ quan nghiên cứu nhà nước nhằm bảo đảm không có sự chồng chéo, thiếu nguồn lực, quy mô không đạt mức tối ưu trong nghiên cứu R&D. Đối với các trường đại học và cở sở nghiên cứu, cần xác định rõ thế mạnh, nhu cầu và mối quan tâm của mình để xác định trọng tâm, mũi nhọn nghiên cứu.

Năm là, Nhà nước cần sớm thành lập, tổ chức lại hệ thống các cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo và tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo nghề Các tổ chức này cần phải đảm bảo độc lập, có đủ năng lực để dự báo, đánh giá năng lực và sản phẩm đào tạo của các trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề đảm bảo đạt chuẩn đầu ra về chất lượng gắn với thị trường lao động, thích ứng với nhu cầu phát triển LLLĐ trong điều kiện CMCN 4.0 làm cơ sở cung cấp thông tin cần thiết, tin cậy cho các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào theo tín hiệu của thị trường lao động.

Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, CMCN 4.0 có tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế và tạo đà thuận lợi cho thị trường lao động phát triển, nhất là khả năng tạo việc làm của nền kinh tế ở nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, cần bàn tay con người.

"Cuộc CMCN 4.0 tập trung chủ yếu số hóa, công nghệ robot và tự động hóa - xu hướng máy móc thay dần sức lao động của con người, dẫn tới sự thay đổi cơ cấu lao động có việc làm trong ngành kinh tế chính của nước ta. CMCN 4.0 là cơ hội đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vượt qua thách thức, tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn làm cho phân hóa xã hội sâu sắc hơn... Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục, đào tạo nghề của Việt Nam cần phải nhận thức được và sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển công - nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hay nguồn nhân lực trong thời kỳ CMCN 4.0", báo cáo nhận định.

Theo Nguyễn Lam/Báo Đất Việt