1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cà Mau: Người dân kiếm nửa triệu/ngày với đặc sản bồn bồn sau Tết

(Dân trí) - Qua Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều người dân ở Cà Mau vẫn “làm ăn được” với đặc sản bồn bồn khi kiếm được cả nửa triệu/ngày.

Theo tìm hiểu của PV, bồn bồn (hay còn gọi là cỏ nến) là một loại cây hoang dại mọc rất nhiều ở vùng ngập nước Cà Mau.

Trước đây, bồn bồn ít được chú ý đến, nhưng nay đã được người dân trồng nhiều và trở thành một loại đặc sản của địa phương.

Cà Mau: Người dân kiếm nửa triệu/ngày với đặc sản bồn bồn sau Tết - 1
Người dân thu hoạch bồn bồn ở Cà Mau.

Theo ghi nhận của PV, huyện Cái Nước được xem là địa phương có diện tích bồn bồn lớn của tỉnh Cà Mau, khi có hơn 155 hộ trồng với khoảng 90ha, năng suất đạt khoảng 3 tấn/ha/năm.

Người dân địa phương cho biết, thời điểm Tết Nguyên đán 2019, giá bồn bồn tăng khá cao do nhu cầu tiêu thụ tăng. Cụ thể, bồn bồn tươi có giá từ 40.000 đồng - 45.000 đồng/ký, còn dưa bồn bồn từ 55.000 đồng - 60.000 đồng/ký.

Ông Ngân (ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) cho biết, qua Tết Nguyên đán, giá bồn bồn có giảm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Giá trung bình sau Tết khoảng 30.000 đồng/ký bồn bồn tươi, còn dưa bồn bồn từ 45.000 đồng - 50.000 đồng/ký. Với mức giá này thì người trồng vẫn có lãi khá.

Nhà ông Ngân có 5 công (mỗi công hơn 1.000m2) trồng bồn bồn, cho thu nhập mỗi ngày từ 400.000 đồng - 500.000 đồng/ngày, nên gia đình ông có thu nhập rất ổn định từ nhiều năm qua.

Theo ông Ngân, cây bồn bồn dễ trồng nên rất có hiệu quả, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại ngày một tăng cao.

Cà Mau: Người dân kiếm nửa triệu/ngày với đặc sản bồn bồn sau Tết - 2
Trống bồn bồn, nhiều người dân có thể có thu nhập mấy trăm nghìn đồng/ngày.

Theo tìm hiểu của PV, trồng bồn bồn tốn chi phí không cao, chủ yếu bỏ công sức là chính. Bồn bồn trồng một lần và có thể thu hoạch đến nhiều năm. Mỗi năm có khoảng 8 tháng thu hoạch, còn 4 tháng người dân chăm sóc để cây sinh sôi phát triển.

Bồn bồn có thể được chế biến thành nhiều món ăn như muối làm dưa, nhúng lẩu, nấu canh, xào, làm gỏi và có thể ăn sống. Hiện nay, bồn bồn tươi và dưa bồn bồn của Cà Mau đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Những năm gần đây, khi du khách đến Cà Mau cũng rất ưa chuộng món đặc sản này.

Cà Mau: Người dân kiếm nửa triệu/ngày với đặc sản bồn bồn sau Tết - 3
Dưa bồn bồn bày bán ở Cà Mau. Đây được xem là một loại đặc sản ở địa phương.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cho người dân, với khoảng 100 –120 triệu đồng/ha/năm.

Từ năm 2016, nhãn hiệu bồn bồn Cái Nước đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế của địa phương.

H.Hải