1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cà Mau: Ngành nghề đang cần ít được chú trọng đào tạo

(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh tăng nhanh số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Việc đào tạo còn ít chú trọng ngành nghề mà tỉnh đang cần nên bố trí công việc gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau về thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho thấy, toàn tỉnh đã đào tạo 1.368 người, khuyến khích đào tạo 25 người, thu hút nguồn nhân lực 4 người.

Đối với chương trình đào tạo theo chế độ cử tuyển, trong 8 năm qua, tỉnh đã cử 276 người đi đào tạo; đã tốt nghiệp 119 người; đã bố trí công tác cho 71 người, còn lại 48 người chưa bố trí việc làm.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực còn ít chú trọng ngành nghề tỉnh đang cần nên khó bố trí việc làm. (Ảnh minh họa)
Công tác đào tạo nguồn nhân lực còn ít chú trọng ngành nghề tỉnh đang cần nên khó bố trí việc làm. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Việc đào tạo sau Đại học dù số lượng tăng nhanh nhưng chưa đạt chỉ tiêu đề ra, chất lượng còn hạn chế.

Việc thu hút nhân lực còn tập trung đào tạo sau Đại học về quản lý, ít chú trọng đào tạo chuyên ngành mà tỉnh đang cần; tình trạng đi học tự phát, không có quy hoạch, kế hoạch đào tạo diễn ra khá phổ biến; Số lượng đào tạo cử tuyển nhiều nhưng việc sắp xếp, bố trí công việc gặp rất nhiều khó khăn do trình độ, năng lực của người cử tuyển còn hạn chế.

Với chương trình Mêkông 120, khi xây dựng chưa gắn kết giữa việc đưa đi đào tạo với nhu cầu sử dụng sau khi đào tạo nên có một số ứng viên khi hoàn thành khóa học về nước rất khó phân công, bố trí việc làm. Mặt khác, hiện nay chưa có cơ chế tuyển dụng đặc cách vào biên chế Nhà nước đối với ứng viên Mêkông 120, từ đó gây rất nhiều khó khăn trong quản lý, sử dụng và chưa tạo tâm lý ổn định cho ứng viên an tâm công tác.

Với chương trình Mêkông 120, tính đến cuối năm 2015, tỉnh đã cử 116 ứng viên đi học nước ngoài. Trong đó, có 16 ứng viên đào tạo trình độ Tiến sĩ và 100 ứng viên đào tạo Thạc sĩ, với kinh phí khoảng 90 tỷ đồng. Đến nay, chương trình Mêkông 120 đã có 56 ứng viên tốt nghiệp về nước (4 Tiến sĩ và 52 Thạc sĩ). Tỉnh cũng đã đã bố trí việc làm cho 47 ứng viên.

Trước những khó khăn trên, ông Trần Hồng Quân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- yêu cầu Sở Nội vụ, các địa phương nghiên cứu, có phương án sắp xếp, bố trí đối với những sinh viên học cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường và dự kiến sẽ ra trường trong thời gian tới để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực và ngân sách Nhà nước.

Yêu cầu các Sở, Ban ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ đội ngũ công viên chức có trình độ sau Đại học hiện có của từng ngành và nhu cầu thực tế của từng vị trí việc làm để có kế hoạch đào tạo trong thời gian tới. Theo đó, ưu tiên đào tạo những ngành nghề, lĩnh vực tỉnh đang thiếu, có nhu cầu, đặc biệt là những ngành nghề thuộc thế mạnh của tỉnh, ngành không có người có trình độ sau Đại học; hạn chế đào tạo các chuyên ngành quản lý đối với công viên chức chuyên môn nghiệp vụ; không đào tạo sau Đại học đối với những vị trí việc làm không yêu cầu người có trình độ sau Đại học.

Vói chương trình Mêkông 120, Phó Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT cần phối hợp quản lý tốt việc đào tạo và bố trí, phân công đối với ứng viên Mekông 120 khi hoàn thành khóa học về nước. Nghiên cứu đề xuất xây dựng một đề án hoặc chính sách thu hút nguồn nhân lực khác có hiệu quả hơn.

Huỳnh Hải