1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cà Mau: Giảm tỉ lệ lao động nông lâm ngư nghiệp xuống dưới 50 %

(Dân trí) - Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, trong 5 năm tới (2016-2020), tỉnh đặt mục tiêu sẽ giải quyết việc làm cho 190.000 người. Trong đó, tăng dần tỷ lệ lao động ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong 5 năm qua (2011-2015), số lao động được giải quyết việc làm bình quân hàng năm đạt trên 36.000 người.

Tính riêng năm 2015, đã giải quyết việc làm cho gần 39.000 người. Trong đó, lao động ngoài nước là 30 người, ngoài tỉnh gần 21.000 người, trong tỉnh hơn 18.000 người. Lao động theo lĩnh vực ngư nông lâm nghiệp chiếm đến 60%, so với lao động công nghiệp, xây dựng 19% và dịch vụ là 21%.

Tuy nhiên, chất lượng lao động, nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Thời gian qua, việc tạo việc làm mới trong tỉnh ít, phần lớn phải đi làm việc ngoài tỉnh, chưa sử dụng hết nguồn nhân lực hiện có. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu.

Qua thống kê, tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề đến cuối năm 2015 chỉ đạt 34,8%, so với kế hoạch đề ra là 60%. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 1.600 USD, so với kế hoạch là 2.150 USD.


Đến năm 2020, tỉnh Cà Mau phấn đấu giải quyết việc làm cho 190.000 người. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2020, tỉnh Cà Mau phấn đấu giải quyết việc làm cho 190.000 người. (Ảnh minh họa)

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trước những tồn tại của giai đoạn vừa qua, trong 5 năm tới (2016-2020), tỉnh sẽ đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 190.000 người. Trong đó, năm 2016 là 37.000 người, năm 2017 là 37.500 người, năm 2018 là 38.000 người, năm 2019 là 38.500 người và năm 2020 là 39.000 người.

Tỉnh sẽ phấn đấu giảm dần số lượng lao động ngoài tỉnh từ gần 20.000 người năm 2016 xuống còn hơn 17.000 người vào năm 2020 và tăng lao động trong tỉnh từ 17.000 người năm 2016 lên 21.000 người vào năm 2020. Bên cạnh đó, tăng số lao động ngoài nước từ 50 người trong năm 2016 lên 150 người vào năm 2020.

Cũng theo kế hoạch của tỉnh Cà Mau, tỉnh sẽ giảm dần tỷ lệ lao động lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp (chiếm khoảng 50%) và tăng dần lao động công nghiệp, xây dựng, dịch vụ (chiếm khoảng 50%) đến năm 2020.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ tổ chức điều tra thu thập thông tin lao động, khai thác tốt các thị trường lao động, dữ liệu cung cầu lao động.

Triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo thêm việc làm mới, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động, để giới thiệu với những doanh nghiệp, dự án có uy tín đang có nhu cầu tuyển lao động lớn trên địa bàn.

Với công tác đào tạo nghề, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề, đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.

Huỳnh Hải