1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bóc tách nhập nhằng lương, phụ cấp công nhân

Khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho công nhân, nhiều doanh nghiệp ngắt phụ cấp để đưa vào lương hoặc đưa phụ cấp sang phúc lợi. Kiểu gì thì người lao động cũng chịu thiệt!

Tại cuộc họp bàn về tiền lương, thu nhập, điều chỉnh lương tối thiểu, BHXH và đời sống của người lao động (NLĐ) với đại diện cán bộ công đoàn cơ sở tại TP.HCM gần đây, ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đánh giá: Nghị định 122/2015 về lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ 1-1-2016, thay vì điều chỉnh tăng lương cho NLĐ, các doanh nghiệp (DN) đã ngắt phụ cấp để đưa vào lương hoặc đưa phụ cấp sang phúc lợi.

NLĐ không hài lòng với cách điều chỉnh này nên từ đầu năm đến nay đã xảy ra 50 vụ ngưng việc tập thể liên quan đến tiền lương và BHXH.

Đưa lương vào tiền chuyên cần, né BHXH

Nhiều vụ ngưng việc tập thể xảy ra xuất phát từ việc các công ty nhập nhằng giữa tiền lương và phụ cấp khiến NLĐ bị thiệt thòi quyền lợi, trong đó hệ lụy lâu dài là tiền lương hưu thấp.

Đáng chú ý nhất là vụ 4.000 công nhân Công ty Woodworth Wooden Việt Nam sản xuất gỗ (ấp 12, xã Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) ngưng việc 10 ngày phản đối công ty điều chỉnh lương cơ bản cho công nhân vào khoản tiền thưởng, chuyên cần.

Hôm nay (12-6), Ngày hội công nhân lao động KCX-KCN, Khu công nghệ cao TP.HCM diễn ra tại Công viên văn hóa Đầm Sen do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp Công đoàn KCX-KCN TP.HCM tổ chức.

Anh K. (công nhân của công ty này) bức xúc cho biết mặt bằng lương cơ bản của công ty thấp hơn so với các công ty lân cận.

Tuy nhiên, khi điều chỉnh lương cơ bản, công ty đã tăng thêm 350.000 đồng nhưng lại ngắt số tiền này vào tiền chuyên cần, hoàn thành nhiệm vụ, thay vì đưa vào lương cơ bản khiến NLĐ bị thiệt thòi khi thực hiện trích đóng BHXH.

Điều chỉnh lương, phụ cấp nhập nhằng, hàng ngàn công nhân ngưng việc phản ứng. Ảnh: P.ĐIỀN
Điều chỉnh lương, phụ cấp nhập nhằng, hàng ngàn công nhân ngưng việc phản ứng. Ảnh: P.ĐIỀN

“Công ty quá khôn khéo khi chuyển lương cơ bản vào phúc lợi, bởi yêu cầu đưa ra là công nhân phải chuyên cần, hoàn thành nhiệm vụ mới được nhận khoản tiền này. Ngược lại, công ty lấy lý do NLĐ không đạt các tiêu chí trên thì coi như chẳng có được gì thêm mà về sau chúng tôi nhận BHXH lại bị thấp” - anh K. phân tích.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện LĐLĐ huyện Củ Chi khẳng định công ty thực hiện không đúng quy trình xây dựng thang bảng lương và thực hiện không đầy đủ việc điều chỉnh lương tối thiểu đối với NLĐ khiến hàng ngàn công nhân bất bình, phản ứng.

Các cơ quan chức năng đã mời lãnh đạo công ty đối thoại, phân tích cho họ thấy những điểm sai trong việc xây dựng thang bảng lương tại DN và những bất cập khi điều chỉnh lương tối thiểu. Đồng thời đề nghị công ty cắt 200.000/350.000 đồng tiền điều chỉnh tăng thêm vào lương cơ bản để phù hợp với quy định của pháp luật.

Đưa phụ cấp vào lương

Một vụ khác, 3.000 công nhân Công ty TNHH Nissey Việt Nam, ngành cơ khí (KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) đồng loạt ngưng việc tám ngày mới đi làm trở lại sau khi công ty đồng ý tăng thêm 100.000 đồng vào phụ cấp bổ sung và điều chỉnh mức trợ cấp bổ sung theo thâm niên, mỗi năm tăng 20.000 đồng, từ 11 đến 20 năm tăng 200.000 đồng.

Công nhân phản ánh khi áp dụng Nghị định 122/2015 về lương tối thiểu vùng, công ty đã khéo léo cắt khoản phụ cấp 200.000 đồng/người/tháng. Tiếp đó, công ty điều chỉnh lương cơ bản với mức tăng hơn 200.000 đồng/người/tháng. Công nhân cho rằng cách lấy bên này đắp bên kia khiến lương cơ bản của họ không nhích lên bao nhiêu sau khi đã trích đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Đại diện LĐLĐ các quận, huyện đánh giá thay vì áp dụng các khoản bổ sung, nhiều công ty xây dựng quy chế khắt khe hơn để siết các khoản tiền phụ cấp bằng cách bắt các lỗi vi phạm của NLĐ để hạn chế khoản thu nhập này.

Đơn cử trước đây công nhân trễ giờ hai buổi không được nhận tiền chuyên cần, nay ép xuống một buổi. Điều này khiến công nhân dễ bị bắt lỗi, đồng thời tạo áp lực đối với NLĐ.

Mới đây, đại diện LĐLĐ TP.HCM cho hay quá trình kiểm tra 19 DN về điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016 cho thấy số DN điều chỉnh lương cho NLĐ còn ít. Đáng lưu ý, các DN cắt giảm phụ cấp để chuyển sang lương đã gây bất bình, làm bùng phát các vụ ngưng việc tập thể.

Cụ thể có 12/19 DN không áp dụng phụ cấp lương cho NLĐ; 7/19 DN có áp dụng phụ cấp lương bằng tên gọi phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, chuyên cần, phụ cấp ăn ca… 13/19 DN không áp dụng các khoản bổ sung ngoài lương cho NLĐ; 6/19 DN có áp dụng các khoản bổ sung với tên gọi thưởng năng suất, tiền ăn ca, điện thoại, xăng xe…

Ông MAI ĐỨC CHÍNH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

phải xử lý nghiêm để bảo vệ NLĐ

Bóc tách nhập nhằng lương, phụ cấp công nhân - 2

Nghị định 112/2015 về lương tối thiểu vùng được áp dụng vào đầu năm 2016 đã nói rất rõ DN không được cắt giảm các khoản phụ cấp của NLĐ.

Hình thức lách phổ biến nhất tại TP.HCM là 5,5 triệu đồng/tháng nhưng thực ra công ty chỉ trích đóng trên mức lương tối thiểu khoảng 3,6 triệu đồng, khoản chênh lệch còn lại chia thành tiền nhà, xăng xe, điện thoại… được gạt ra để né đóng BHXH.

Những vụ việc như vậy, khi phát hiện DN vi phạm trước hết thanh tra lao động, ban quản lý các KCX-KCN nhanh chóng vào cuộc, phải xử lý nghiêm để bảo vệ NLĐ.

Ông ĐIỀU BÁ ĐƯỢC, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam:

Không được tách thành nhiều gói để né đóng BHXH

Bóc tách nhập nhằng lương, phụ cấp công nhân - 3

Về nguyên tắc, tiền lương đóng BHXH phải bù đắp được những rủi ro khi ốm đau, tai nạn, bệnh tật và an sinh khi về già. Người sử dụng lao động phải trả đủ, trả đúng tên gọi tiền lương cho NLĐ chứ không phải đổi tên gọi, chia tách thành nhiều gói khác nhau để né đóng BHXH khiến NLĐ bị thiệt thòi khi về già do mức đóng BHXH thấp.

Cơ quan chức năng phải giám sát để việc thực hiện này không bị méo lệch, biến tướng sang các khoản khác. Ngoài ra NLĐ có quyền giao kết đưa các nội dung tiền lương vào hợp đồng rõ ràng, thay vì chia tách ra nhiều khoản khác nhau, cái đó không phải là tiền lương.

Anh PHAN THANH TUYỀN, công nhân Công ty TNHH Việt Nam Top Vision Industries:

Thiệt thòi vì sẽ nhận mức lương hưu còm cõi

Bóc tách nhập nhằng lương, phụ cấp công nhân - 4

Thu nhập của tôi bình quân 7,5 triệu đồng/tháng, trong đó bao gồm lương cơ bản và tiền lương trách nhiệm. Công ty trích 3,9 triệu đồng từ tiền lương cơ bản và tiền trách nhiệm để đóng BHXH cho NLĐ.

Thực tế các DN họ nắm rất rõ các quy định pháp luật về tiền lương, BHXH và thường tìm cách lách đóng BHXH khiến về lâu dài NLĐ bị thiệt thòi khi nhận mức lương hưu còm cõi.

Theo Phong Điền/ Báo PL.TPHCM