1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Lao động nói về việc đi lao động "chui", trốn ở lại nước ngoài

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Bộ đã thu hồi giấy phép, đình chỉ nhiều doanh nghiệp đưa người đi lao động nước ngoài bất hợp pháp. Bộ trưởng khuyến cáo, không nên đi lao động ở nước ngoài theo con đường bất hợp pháp, qua các doanh nghiệp không được cấp phép.

Liên quan tới vấn đề quản lý lao động, là người chịu trách nhiệm quản lý ngành, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, chiều ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung gửi lời chia buồn tới thân nhân các gia đình có người bị nạn ở Anh.
Đề cập đến vấn đề quản lý lao động ở ngoài nước, Bộ trưởng cho hay, cần phân biệt rõ loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức cho lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài.
Bộ trưởng nhấn mạnh, với việc tổ chức lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, Việt Nam có các bản ghi nhớ về lao động với các quốc gia có thỏa thuận.
Bộ trưởng Lao động nói về việc đi lao động chui, trốn ở lại nước ngoài - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của báo chí trong buổi họp báo Chính phủ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những người đi lao động nước ngoài hợp pháp hiện nay có 5 hình thức khác nhau.
Cụ thể, đó là đi qua các doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép; đi theo diện hợp tác giữa các doanh nghiệp, tập đoàn giữa 2 nước; cá nhân ký trực tiếp với các tổ chức ở nước ngoài nhưng đăng ký qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan quản lý ở nước ngoài; đi hợp tác đào tạo; Chính phủ cho phép hình thức trao đổi công việc và lao động hợp tác địa phương giữa hai quốc gia với nhau trong ngắn hạn.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 3 năm qua, mỗi năm Việt Nam đưa trên 100.000 người đi lao động ở các nước. Cao nhất là năm 2018, có 143.000 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu là các địa bàn Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Malaysia.
Ở khu vực châu Âu, Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác lao động với 2 nước là Rumani (khoảng 3.000 người) và ký thỏa thuận đưa điều dưỡng viên đi lao động tại Đức (với hơn 1.000 người, mới ký gần đây).
“Tôi đã trực tiếp kiểm tra nơi các em làm việc, ăn ở, thấy cuộc sống tương đối tốt. Mức thu nhập của các em khi tôi sang thăm là 2.600 Euro/tháng. Sau đó, tôi trao đổi thêm với tổ chức ở đây thì họ đồng ý nâng lên 3.000 Euro/tháng/lao động”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc đưa người lao động đi lao động ở nước ngoài, về mặt quản lý, Nhà nước đảm bảo sự minh bạch, từ việc công khai địa bàn, công khai mức thu phí, công khai mức lương của từng doanh nghiệp... Đồng thời những người được doanh nghiệp đưa đi đều được cấp visa, hộ chiếu; được bảo hộ công dân; có bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đang có hiện tượng doanh nghiệp không có chức năng nhưng cũng mượn phép hoặc liên doanh, liên kết trá hình để đưa người đi nước ngoài lao động. Cũng có đối tượng không được cấp phép nhưng cũng cò mồi, làm "chui| đưa người đi nước ngoài.
“Thời gian qua, chúng tôi xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Tất cả các doanh nghiệp làm việc trái phép chúng tôi đều chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Chúng tôi đã thanh kiểm tra 118 trong tổng số gần 400 doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng đã trực tiếp chỉ đạo thu hồi, đình chỉ, thậm chí là cấm vĩnh viễn một số doanh nghiệp vi phạm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Thông tin về những địa bàn có nhiều người đi xuất khẩu lao động nhưng hết thời hạn không chịu về, trốn ở lại, Bộ trưởng Dung cho biết, nều năm 2016 tỷ lệ ở lại Hàn Quốc là 56%, thì hiện nay chỉ còn 26%.
“Bộ cũng áp dụng nhiều biện pháp như đình chỉ 48 huyện, 11 tỉnh không được cử lao động sang Hàn Quốc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần đi theo con đường hợp pháp (thông qua cơ quan cấp phép, nước sở tại ký hợp tác với mình, được bảo hộ công dân). Còn về mức lương, đã có sự thỏa thuận giữa các quốc gia, thông tin này được công khai.
“Không nên đi theo con đường bất hợp pháp và đi qua kênh của các đơn vị không được cấp phép”, ông Đào ngọc Dung khuyến cáo. 
Quang Phong