Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Mỗi năm có khoảng 2.000 vụ trẻ em bị xâm phạm

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi về tình hình xâm hại trẻ em của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) tại quốc hội sáng 5/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Việt Nam có khoảng 2.000 vụ bạo lực trẻ em mỗi năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Mỗi năm có khoảng 2.000 vụ trẻ em bị xâm phạm - 1

Khả năng còn nhiều vụ xâm hại

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng con số trên có thể còn cao hơn trên thực tế vì chưa được báo cáo, dù được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.

Cũng theo Bộ trưởng, trên thế giới bình quân có khoảng 150 triệu trẻ em bị bạo lực, trong đó có khoảng 73 triệu trẻ em trai. Trong đó, Khu vực Châu á, Thái Bình dương có tỉ lệ xâm hại và bạo lực trẻ em cao nhất.

Về khung pháp lý, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho rằng, VN hiện có khả đầy đủ các quy định pháp lý về bảo vệ trẻ em, như Luật Trẻ em, Nghị định 61 ...

Đặc biệt, sau khi tình hình bạo lực trẻ em gia tăng, Chính phủ đã có phân công cụ thể trách nhiệm của từng cấp ngành đối phó với tình trạng bạo lực trẻ em còn nhiều.

“Chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, từ tuyên truyền vận động tới, hình thành đường dây nóng 111, xử lý một só vụ việc nóng. Bộ cũng trực tiếp theo dõi nhiều vụ việc này” - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới Bộ sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đồng thời, trách nhiệm này cũng cần được chia sẻ với gia đình và nhà trường.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tranh luận: "Tình trạng xâm hại trẻ em đang là những vấn đề rất bức xúc hiện nay. Bộ trưởng nêu con số mỗi năm 2000 vụ bạo hành, nhưng riêng theo báo cáo của các cơ quan tư pháp thì riêng xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ". Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn vì thời gian qua xảy ra nhiều vụ.

Đồng thời, đại biểu Lê Thị Nga cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nêu trên.

3 điểm nhấn trong giáo dục nghề nghiệp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp: “Bộ trưởng có giải pháp gì cần ưu tiền trong giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng này? Bộ trưởng chọn năm 2018 là năm đột phá cho giáo dục nghề nghiệp, ông kỳ vọng kết quả đạt được như thế nào?”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp là nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp.

Chất lượng thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi lực lượng lao động tại nông thôn đến cuối tháng 4/2018 chiếm tới 38,6% lực lượng lao động nhưng chỉ đóng góp 15,34% vào GDP.

Cơ cấu đào tạo bất hợp lý, đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng kỹ năng, các điều kiện đảm bảo lao động như môi trường làm việc, thu nhập, an toàn và mạng lưới an sinh.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới sẽ ưu tiên giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời khẳng định, đột phá về giáo dục nghề nghiệp là chủ trương cực kỳ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực. “Trong giáo dục nghề nghiệp có 3 chuyện phải quan tâm: Một là quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới, hai là chuyển mạnh sang tự chủ, tự chủ sẽ là động lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp và ba là chuyển hẳn sang hướng kết nối doanh nghiệp với nhà trường. Đây là chủ trương nhiều quốc gia đã thành công, đặc biệt những nước có giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Singapore, Nhật Bản…” – Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, năm 2018 là năm đột phá giáo dục nghề nghiệp và Bộ đã chọn 10 trường làm thí điểm kết nối với 15 tập đoàn, đào tạo theo yêu cầu 150.000 nhân lực. Tuy mới là khởi đầu nhưng đây là sự mở đầu rất quan trọng để tạo hướng đi mới.

Trên 56 % lao động đã qua đào tạo?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) về số liệu 56,1 % người lao động qua đào tạo trong năm 2017 có thực chất không?

Bộ trưởng cho rằng, đây là con số khả thi và không có tính hình thức, vì trong đó chỉ có 22 % lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ.

“Còn lại tính cả lao động truyền nghề, công nhân nghề được đào tạo lại. Thậm chí là những người lao động đạt danh hiệu “bàn tay vàng” nhưng chưa được cấp chứng chỉ” - Bộ trưởng cho biết.

So với mặt bằng của nhiều nước lân cận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, còn số 22 % lao động có chứng chỉ không phải là cao.

Hoàng Mạnh