Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Khó trục lợi từ tiền vay trả lương cho lao động"

(Dân trí) - “Doanh nghiệp vay tiền để trả lương chỉ lập danh sách và nộp lại cho cơ quan chức năng. Nguồn tiền vay sẽ trả trực tiếp cho người lao động. Do đó khả năng trục lợi từ nguồn kinh phí này rất thấp…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phân công rõ trách nhiệm các cấp trong việc rà soát, chi trả hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết quy trình xử lý, hỗ trợ các nhóm đối tượng trong Nghị quyết 42/NQ-CP, đặc biệt là việc cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương tới lao động sẽ được xây dựng chặt chẽ, có sự giám sát lẫn nhau nhằm tránh trùng lặp, trục lợi. 

Theo đó, trong doanh nghiệp, chủ tịch Hội đồng quản trị giám đốc doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về các quyết định liên quan tới đề xuất vay không đảm bảo nhằm trả lương cho lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh những ràng buộc để hạn chế tình trạng trục lợi: “Người sử dụng lao động chỉ nhận được nguồn vốn vay không đảm bảo theo tinh thần của Nghị quyết 42/NQ-CP khi đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6…”.

Mặt khác, nguồn vốn vay để trả lương cho người lao động nêu trên sẽ không trả trực tiếp qua doanh nghiệp. Thay vào đó, nguồn vốn sẽ trả trực tiếp cho người lao động.

“Doanh nghiệp chỉ thực hiện nhiệm vụ lập danh sách và nộp lại cho cơ quan chức năng. Do đó, khả năng trục lợi từ nguồn kinh phí sẽ rất thấp…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Ngoài ra, đối với việc chi hỗ trợ thuộc thẩm quyền của địa phương, dự thảo quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp nào thì chịu trách nhiệm toàn thể về vấn đề rà soát, xem xét, trong đó UBND cấp xã, huyện thực hiện thêm việc trình lên cấp trên danh sách ban đầu đã thống kê.

Nếu phát hiện sai, chủ tịch UBND cấp xã, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai sót của cấp mình. 

Về cấp tỉnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo quyết định đã nêu rõ: Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, hội đồng nhân dân và cấp uỷ về việc rà soát, xem xét, phê duyệt toàn bộ đối tượng thụ hưởng trên địa bàn mình quản lý.

Cũng trong dự thảo quyết định thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP, việc phân công nhiệm vụ tới từng ngành, chính quyền địa phương khá cụ thể.

“Về cơ bản, việc kê khai và trực tiếp chi trả tới người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội sẽ do ngành LĐ-TB&XH thực hiện” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Với nhóm đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường sẽ trực tiếp quản lý, kê khai và chi trả. Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện cũng sẽ đảm nhận việc kê khai và chi trả đối tượng tạm dừng đóng BHXH.

“Trường hợp doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động, nay có nhu cầu vay tiền để trả lương tiếp thì doanh nghiệp sẽ đứng ra làm thủ tục vay. Chính quyền và công đoàn nơi doanh nghiệp hoạt động sẽ xác nhận. Đồng thời, nguồn tiền cho vay sẽ được Ngân hàng Chính sách Xã hội chi trả” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Với nhóm hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm bị tạm ngừng kinh doanh do Covid-19, thống kê sơ bộ trong cả nước hiện có khoảng 760.000 hộ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Cục thuế và chính quyền địa phương có tránh nhiệm kiểm tra, thống kê và xác nhận cho nhóm hộ kinh doanh cá thể này”.

 Hoàng Mạnh