DMagazine

(Dân trí) - “Ba dấu ấn lớn nhất của ngành LĐ-TB&XH trong năm qua là: Xây dựng thể chế, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp và phát triển lành mạnh thị trường lao động” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ với PV Dân trí nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khó khăn nhất khi đề xuất tăng tuổi hưu - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Giáp Tống)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Khó khăn nhất khi đề xuất tăng tuổi hưu"

“Ba dấu ấn lớn nhất của ngành LĐ-TB&XH trong năm qua là: Xây dựng thể chế, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp và phát triển lành mạnh thị trường lao động” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ với PV Dân trí nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020.

Tăng tuổi hưu: Việc của ngày hôm nay!

Thưa Bộ trưởng, qua 2 kỳ họp Quốc hội trong năm 2019, ông đã quyết liệt bảo vệ đề xuất tăng tuổi hưu với câu nói: “Tăng tuổi nghỉ hưu để tính cho thế hệ sau. Nếu không làm ngay từ bây giờ nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau”. Vậy tới thời điểm này, xin ông có thể chia sẻ thêm về điều trên?

- Để có thể đưa ra khuyến nghị này, tôi không chỉ lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu và các tổ chức quốc tế mà còn phải thực tế đi tới nhiều doanh nghiệp, để tiếp thu và chắt lọc ý kiến của giới chủ và người lao động.

Qua tìm hiểu cho thấy, thị trường lao động Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng do tác động của già hóa dân số.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khó khăn nhất khi đề xuất tăng tuổi hưu - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu góp ý về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của thợ lò tại mỏ than Núi Béo, Quảng Ninh. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Trước đây 15 năm, thị trường lao động Việt Nam tăng thêm khoảng 1,2 triệu người/năm. Nhưng trong 5 năm gần đây, con số trên sụt giảm và chỉ còn khoảng 400.000 người/năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với 15 năm trước.

Để ứng phó với sự già hoá và sự thiếu hụt lao động trong tương lai, việc điều chỉnh chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần phải thực hiện ngay từ bây giờ trước khi quá muộn. Dù còn nhiều khó khăn trong tìm kiếm sự đồng thuận ban đầu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá về Bộ Luật Lao động 2012 sửa đổi

Cũng cần nói rõ về tỷ lệ nghỉ hưu khi áp dụng Bộ Luật Lao động năm 2012 (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2021. Việc tăng tuổi hưu không dẫn đến tình trạng gia tăng đột biến người lao động.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 129.000 người đến tuổi nghỉ hưu. Khi tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như Bộ Luật Lao động năm 2012 (sửa đổi), số người nghỉ hưu giảm trung bình khoảng 9.000 người/năm.

So với con số 56 triệu lao động của Việt Nam, số người nghỉ hưu giảm như trên không có ý nghĩa lớn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khó khăn nhất khi đề xuất tăng tuổi hưu - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lắng nghe ý kiến của công nhân Tổng Công ty May 10 về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm. (Ảnh: Dũng Mạnh)

Giờ làm thêm: Tác động tới cả nền kinh tế

Còn đề xuất điều chỉnh giờ làm việc trong tuần tại Dự thảo Luật Lao động 2012 (sửa đổi), đây cũng là câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo chí khi đó, thưa Bộ trưởng?

- Xin được nói thêm, mong muốn giảm giờ làm là điều chính đáng của người lao động. Về nguyện vọng cá nhân, tôi cũng mong muốn điều này. Nhưng đây là vấn đề hệ trọng có tầm quốc gia và tác động lớn tới tình hình kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khó khăn nhất khi đề xuất tăng tuổi hưu - 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự bữa cơm 15.000 đồng (được Cty trợ giá 1 phần) với công nhân may. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Bởi vậy chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá đa chiều.

Phân tích ở từ khía cạnh kinh tế, nếu giảm từ 48 giờ làm việc bình thường/tuần (hiện nay) xuống 44 giờ/tuần, tổng thời gian làm việc bình thường giảm đi là 208 giờ/năm.

Như vậy, tổng chi phí lao động tăng lên khoảng 10%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm và quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi khoảng 0,5%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá về công tác triển khai giáo dục nghề nghiệp năm 2019

Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã quyết định giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường, không tăng thời giờ làm thêm trong năm. Tuy nhiên, các đại biểu đã đồng thuận việc nới trần làm thêm trong tháng, từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng, quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300 giờ/năm…

Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia nỗ lực rất lớn để không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Để không rơi vào bẫy này, các chuyên gia khuyến cáo phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%.

Đứng về góc độ kinh tế, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu để tính toán giảm giờ làm việc cho người lao động ở thời điểm thích hợp.

Sớm đưa lao động thất nghiệp trở lại thị trường…

Thưa bộ trưởng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 đã đánh dấu việc mở rộng tới hàng chục triệu người lao động. Điều này có ý nghĩa ra sao với sự ổn định của thị trường lao động hiện nay?

- Công tác triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp cho nhiều triệu lao động có thêm sự hỗ trợ cần thiết khi không may gặp phải những biến cố về công việc. Qua đó, người lao động thất nghiệp sẽ nhận được những kịp thời về tư vấn học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp thất nghiệp …

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khó khăn nhất khi đề xuất tăng tuổi hưu - 5

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hỏi thăm người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Chính nhờ những chính sách an sinh này, người lao động thất nghiệp sẽ được luân chuyển, trau dồi lại kỹ năng và định hướng để sớm quay trở lại bổ sung cho thị trường lao động đang sôi động.

Sau 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã liên tục tăng qua từng năm. Đến nay, cả nước có gần 13 triệu người tham gia, vượt so với dự kiến.

Nếu năm 2009 mới chỉ có hơn 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tới năm 2018, có số trên đã đạt hơn 12,6 triệu người, bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khó khăn nhất khi đề xuất tăng tuổi hưu - 6

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi tình hình học tập của sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Vĩnh Phúc (Ảnh: Tâm Chí)

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường và hiệu quả, hơn 96 % được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hơn 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.

Nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm, ổn định cuộc sống. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương…

Cùng với đó, việc tiếp nhận và giải quyết hưởng chế độ thất nghiệp cũng được quan tâm. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đến nay là khoảng 5 triệu người và có xu hướng tăng qua các năm.

Hơn 2,3 triệu người tham gia giáo dục nghề nghiệp

Năm 2019, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt hơn 2,338 triệu người, chiếm 103,5% kế hoạch năm và bằng 105,8% so với năm 2018, gồm: Khoảng 568.000 người có trình độ cao đẳng, trung cấp; khoảng 1,77 triệu người trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2019, hoạt động giáo dục nghề nghiệp có một bước đổi mới và nâng cao về chất lượng, đặc biệt là việc hoàn thành 107 % chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong đào tạo của giáo dục nghề nghiệp.

“Giáo dục nghề nghiệp đang chuyển sang hướng đặt hàng đào tạo theo địa chỉ “đầu ra”, liên kết với doanh nghiệp. Chúng ta đã từng bước tạo môi trường để doanh nghiệp trở thành nhà trường thứ hai. Qua đó tăng cường phối hợp và đẩy mạnh việc liên kết đào tạo với nước ngoài. Đặc biệt là chuyển giao việc chuyển giao và công nhận bằng cấp trong 34 bộ giáo trình giữa Australia với Đức…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

 Xin cảm ơn Bộ trưởng

Hoàng Mạnh thực hiện