1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Có nghề, nông dân mới thoát nghèo bền vững”

(Dân trí) - “Cần quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho nông dân, bởi chỉ khi có nghề, người nông dân mới thực sự thoát nghèo. Trước khi đào tạo nghề cần dự báo công việc và thu nhập, trong đó chú ý quan tâm đến khu vực đồng bào dân tộc thiểu số…”.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận sáng 12/4.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, năm 2017, địa phương này tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho 11.314/10.000 người, đạt 113,14% kế hoạch năm và bằng 101,3% so với năm 2016. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 7.103/7.000 người, đạt 101,47% kế hoạch năm.

Chương trình này góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đến cuối năm 2017 đạt 61%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 23,32%.


Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận sáng 12/4.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận sáng 12/4.

Riêng quý I/2018, toàn tỉnh tuyển mới đào tạo nghề cho 938/11.000 người, chiếm tỷ lệ 8,53% so với kế hoạch năm và bằng 300,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhiều nghề được dạy đã tạo hiệu quả tốt thời gian qua, như: Trồng, chăm sóc cao su, cây thanh long, đan lát, dệt thổ cẩm, may công nghiệp… Ngoài ra, nhiều nghề khác cũng được tỉnh chú trọng đào tạo thông qua chủ trương liên kết với các trường nghề, trạm khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo lớp chuyên ngành lái xe, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, thú y, mộc dân dụng…

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và 3 mô hình giáo dục nghề nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới, gồm: Xã Phước Thể, huyện Tuy Phong; xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình và xã Nam Chính, huyện Đức Linh. Hiện nay, Bình Thuận có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đồng tình với chủ trương của tỉnh về tổ chức lại hệ thống GDNN, đảm bảo tinh gọn.

“Nếu các trường cao đẳng có cùng ngành nghề đào tạo cơ bản hoặc địa bàn gần nhau có thể sáp nhập hoặc tổ chức lại. Trong trường cao đẳng có đào tạo cả hệ trung cấp và sơ cấp. Riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các huyện thì tổ chức lại 2 trong 1, hoặc 3 trong 1; cơ sở giáo dục (CSGD) tổng hợp, CSGD thường xuyên và cơ sở dạy nghề sáp nhập lại làm 1..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Lao động nông thôn học nghề may tại thị xã La Gi, Bình Thuận
Lao động nông thôn học nghề may tại thị xã La Gi, Bình Thuận

Cũng trên tinh thần này, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khuyến khích chủ trương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dần tiến tới tự chủ, tăng kết nối doanh nghiệp và "bắt nhịp" tốt hơn nhu cầu thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần hỗ trợ UBND Bình Thuận trong việc tổ chức lại các trường và đưa một số nghề trọng điểm vào hỗ trợ cho tỉnh.

Về phía tỉnh Bình Thuận, thời gian tới sẽ tập trung đào tạo nghề cho người lao động bằng nhiều hình thức, mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với địa chỉ sử dụng. Đảm bảo sau khi học nghề, người lao động có thể tìm được việc làm ngay.

Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực như: Du lịch, dịch vụ, sản xuất hàng hoá xuất khẩu, xuất khẩu lao động. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Huỳnh Anh - Lê Phương