Bộ LĐ-TB&XH xếp thứ 9/17 bộ, ngành về cải cách hành chính

(Dân trí) - Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH được xếp hạng thứ 9/17 bộ ngành. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Bộ LĐ-TB&XH có những nỗ lực cải cách hành chính.

Bộ LĐ-TBXH xếp thứ 9/17 bộ, ngành về cải cách hành chính - 1

Trong đợt dịch Covid-19, người lao động có thể làm thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua đường bưu điện.

Kết quả được công bố tại Hội nghị trực tuyến về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019.

Chương trình do Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính Phủ tổ chức sáng 19/5.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã được xếp hạng thứ 9/17 bộ, ngành. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực lớn của Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua.

Năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH xếp 19/19 về cải cách thủ tục hành chính. Năm 2017, Bộ xếp thứ 12/17. Năm 2018, Bộ xếp thứ 10/18.

Để có được kết quả xếp hạng của năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai toàn diện và có nhiều nỗ lực trong cải thiện thủ tục hành chính.

Theo đó, Bộ đã khai trương Hệ thống thông tin Bộ với Người dân và Doanh nghiệp được xây dựng tại địa chỉ http://bovoinddn.molisa.gov.vn.

Qua đó đã giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, hỏi đáp chính sách của người dân, doanh nghiệp, cử tri và Đại biểu Quốc hội, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, trung thực;

Bộ cũng ban hành Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), văn bản khác năm 2019 và Kế hoạch điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản QPPL, các văn bản khác năm 2019. Năm 2019, Bộ được giao xây dựng 22 đề án, gồm: Bộ luật Lao động sửa đổi, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, 10 nghị định Chính phủ, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 đề án tổng kết, 2 hồ sơ đề xuất phê chuẩn gia nhập Công ước...

Ngoài ra, Bộ đã xây dựng, trình Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2020, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10. Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 18 Thông tư đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. 

Năm 2019, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp...

Ngoài ra, Bộ còn nỗ lực triển khai trong nhiều lĩnh vực như: Cải cách tài chính công; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa hành chính...

Lê Lai