1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất “nới” điều kiện vay vốn trả lương cho người lao động

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp khó do dịch Covid-19 dễ dàng hơn khi vay vốn để trả lương cho người lao động.

Bộ LĐ-TBXH đề xuất “nới” điều kiện vay vốn trả lương cho người lao động - 1
Công tác chi hỗ trợ người lao động tự do mất việc do Covid-19 tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đã ký Tờ trình số 56/TTr-BLĐTBXH gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đề xuất có ghi cụ thể việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, như sau: “Doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019”.

Đồng thời, hiệu lực thi hành của việc áp dụng quy định mới này sẽ là “kể từ ngày ký ban hành”.

Cũng trong Tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH đã nêu rõ thực trạng tình hình triển khai việc chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TBXH đề xuất “nới” điều kiện vay vốn trả lương cho người lao động - 2
Thứ trưởng Lê Quân

Trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Quyết định 15), các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành đồng bộ 6/6 văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.

Các địa phương đã chủ động vào cuộc rất tích cực, tổ chức quán triệt đầy đủ nội dung của Nghị quyết, 63/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hoặc Hướng dẫn để triển khai đồng bộ tới các cấp, các ngành và triển khai chi trả kinh phí hỗ trợ trực tiếp tới người dân.

Tính đến ngày 10/6/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 ngàn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân 10.500,698 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 10.168.626 người và 2.613 hộ kinh doanh.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít, bởi: Thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tương đối nhiều.

Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5/2020, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.

Trong thực tế các doanh nghiệp còn vốn duy trì nên vẫn bố trí đảo ca, giãn ca, làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động. Đồng thời, doanh nghiệp còn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động.

Cần nhiều hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19

Tuy nhiên quy định khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ phải chứng minh tài chính, nhiều doanh nghiệp đã e ngại, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, tới thời điểm này, chưa có hồ sơ doanh nghiệp đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được thực hiện tại hệ thống ngân hàng chính sách.

Trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung điều kiện doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Đề xuất được xây dựng theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được tiếp cận tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Trước đó, Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2020, có nêu: "Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét về việc sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 theo hướng xây dựng tiêu chí phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được tiếp cận tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động...".

 Hoàng Mạnh