1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ LĐ-TB&XH: Xây dựng đề án hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh có cá chết bất thường

(Dân trí) - “Bộ LĐ-TB&XH sẽ gấp rút xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một đề án tổng thể vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ hiện tượng cá chết bất thường thời gian qua”.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị sáng 28/6. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Dạy nghề... cùng nghiên cứu các phương án về tài chính, dạy nghề và tạo việc làm cụ thể.

Trước đó, trao đổi với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 16 xã ven biển bị ảnh hưởng của sự cố cá chết bất thường.

“Trong đó, hơn 7.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, chưa có việc làm trong nhiều tháng nay. Áp lực này đang đòi hỏi nhiều giải pháp để xử lý” - Bí thư Nguyễn Văn Hùng lo lắng.


Nguồn: Ảnh Internet

Nguồn: Ảnh Internet

Cũng trong buổi làm việc, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ một chương trình dạy nghề để có thể áp dụng ngay tới đối tượng ngư dân bị ảnh hưởng của cá chết bất thường.

Tỉnh Quảng Trị kỳ vọng việc hỗ trợ dạy nghề cho lao động cần tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. “Nhóm đầu tiên là lao động nữ từng tham gia các dịch vụ liên quan tới nghề cá như buôn cá, làm mắm và muối có thể chuyển sang học nghề may. Tỉnh Quảng trị hiện có 3 nhà máy may công nghiệp có thể tiếp nhận lao động ngay và khoảng cách không xa địa phương” - Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng nói.

Trước đó, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế, cho biết: UNBD tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân vùng ven biển, đầm phá nhằm giúp khoảng 10% lao động bị ảnh hưởng trực tiếp do hải sản chết bất thường. Dự kiến, tổng số kinh phí gồm 10 tỉ đồng (2.500 người x 4 triệu đồng/người) trong 2 năm 2016 và 2017.

Nhóm nội dung hỗ trợ tiếp theo là gói triển khai cho vay vốn để hỗ trợ, tiếp tục giao khoán đất và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt. Đồng thời, tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tạo điều kiện tăng thêm chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho ngư dân địa phương.

Đợt cá chết bất thường tháng 4 vừa qua đã gây ra nhiều khó khăn cho lao động nghề cá tại 4 tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Chia sẻ những khó khăn của lao động địa phương về tình hình việc làm bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ nhanh chóng tham mưu để trình Chính phủ một kế hoạch tổng thể về dạy nghề và tạo việc làm cho nhóm lao động bị ảnh hưởng trên. Bên cạnh đó, nhóm giải pháp về thúc đẩy xuất khẩu lao động cũng được tính tới.

“Về XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Quảng trị trong việc tăng thêm các chỉ tiêu cho những huyện bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết. Ưu tiên những thị trường XKLĐ có thu nhập cao nhằm giúp người dân có thêm thu nhập” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Gần 600 việc làm miễn phí dịp hè tại Hà Nội

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Phiên GDVL bán thời gian dịp hè 2016 sẽ tổ chức vào giữa tháng 6 với khoảng 600 chỉ tiêu việc làm. Đối tượng hướng tới chủ yếu là sinh viên năm thứ 3,4 và lao động trẻ.

Bộ LĐ-TB&XH: Xây dựng đề án hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh có cá chết bất thường - 2

Phiên GDVL sẽ thu hút từ 35-40 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như dịch vụ, thương mại, kinh tế, kỹ thuật. Nhiều công việc phù hợp với sinh viên năm cuối như: Nhân viên kinh doanh, bán hàng tại siêu thị, marketing, nhân viên chăm sóc khách hàng, phát triển thị trường, thu ngân, kế toán, lễ tân, giao hàng, bảo vệ, nhân viên bàn, bar… Đây là cơ hội việc làm miễn phí để người lao động, học sinh, sinh viên tìm được việc làm phù hợp và định hướng nghề nghiệp. Cũng theo TT DVVL Hà Nội, các vị trí nhân viên kinh doanh, bán hàng, tiếp thị có mức lương khởi điểm từ 3-7 triệu đồng/người. Ngoài ra, nhân viên bán hàng và tiếp thị sẽ có thêm mức đãi ngộ theo tỉ lệ doanh thu bán hàng.

Theo lãnh đạo TT DVVL Hà Nội, do tính chất thời vụ và bán thời gian nên, bạn trẻ khi dự tuyển cần lưu ý việc hỏi rõ tính chất công việc, thời gian làm việc cũng như phạm vi làm việc trước khi ký hợp đồng.

N.M