Bộ LĐ-TB&XH: Chỉ đạo tăng cường tuyển sinh trung cấp, cao đẳng

(Dân trí) - Liên quan tới công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tăng cường tuyển sinh nhằm đắp ứng mục tiêu tuyển hơn 500.000 học sinh trình độ trung cấp, cao đẳng.


Nhu cầu tuyển lao động có chuyên môn kỹ thuật luôn cao tại các Phiên giao dịch việc làm

Nhu cầu tuyển lao động có chuyên môn kỹ thuật luôn cao tại các Phiên giao dịch việc làm

Công văn 3423/LĐTBXH-TCGDNN nêu rõ, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh trung cấp, cao đẳng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển sinh theo kế hoạch đã đề ra, ngày 16/8, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương Tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung cấp, cao đẳng năm 2017.

Theo đó, công tác tuyển sinh được phân công với nhiệm vụ cụ thể của từng khối ban ngành: Các sở LĐ-TB&XH; sở, ban ngành địa phương; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đối với các sở LĐ-TB&XH, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị chú trọng việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Các sở LĐ-TB&XH cần hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt Quy chế tuyển sinh theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-LĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp, cao đẳng năm 2017

Theo Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, năm 2017, cả nước tuyển sinh 2,2 triệu người, trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg 600 ngàn người; trong đó hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật cho khoảng 20.000 người).

Năm 2017, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cũng tổ chức thi tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo cho 1,931 triệu người, trong đó: cao đẳng, trung cấp khoảng 450.000 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 1,481 triệu người.

Đối với các sở, ban, ngành địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cần phối hợp triển khai tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về học nghề, lập nghiệp, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người học nghề.

Cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo để định hướng cho người học và xã hội có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp.

Các sở, ban, ngành địa phương cần chỉ đạo các doanh nghiệp tại địa bàn tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm.

Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo việc chủ động triển khai công tác tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; ưu tiên địa bàn tuyển sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách, nhóm yếu thế trong xã hội.

“Các cơ sở cần phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về nhà trường, về ngành nghề đào tạo; sáng tạo trong hình thức giới thiệu, quảng bá về nhà trường và những cam kết giải quyết việc làm cho người học sau khi ra trường. Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động, tạo điều kiện để học sinh- sinh viên đã tốt nghiệp ra trường có việc làm và thu nhập ổn định; giới thiệu những gương điển hình về học nghề, lập nghiệp để người học có lựa chọn ngành, nghề phù hợp” - trích nội dung Công văn 3423/LĐTBXH-TCGDNN.

Hoàng Mạnh