Giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An - bài 1:

Bộ đội biên phòng - “bà đỡ” thoát nghèo của đồng bào vùng biên giới

(Dân trí) - Từ chỗ đói ăn và thiếu mặc, nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở miền núi Nghệ An làm quen mô hình phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Từ đó, chất lượng cuộc sống đã đi lên. Điều này có công sức không nhỏ của cán bộ, chiến sỹ bộ đội Biên phòng Nghệ An.

Cùng dân “đánh giặc nghèo”

Từ nhiều năm qua, gia đình ông Ngân Văn Thanh đã gắn bó với vùng quê Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An). Nay vì ủng hộ cho công trình xây dựng thủy điện Hủa Na tại xã, ông bà đã đồng ý chuyển đổi đất ở để chuyển về bản tái định cư Hủa Na 1, xã Thông Thụ (huyện Quế Phong) sinh sống.

Cuộc sống tại nơi ở mới không hẳn đã trọn vẹn. Dù đã công trình nhà cửa, đường giao thông thuận tiện hơn nhưng gia đình ông Ngân Văn Thanh lại thiếu đất sản xuất. Bởi vậy, hết thời gian hỗ trợ của chủ đầu tư cũng đồng nghĩa với việc gia đình ông Ngân Văn Thanh cũng như hàng chục hộ dân khác lâm vào cảnh thiếu đói.

Bộ đội biên phòng Nghệ An giúp người dân khai hoang đất để trồng trọt (ảnh L.Thạch)
Bộ đội biên phòng Nghệ An giúp người dân khai hoang đất để trồng trọt (ảnh L.Thạch)

Đang lúc khó khăn này, các cán bộ Đồn biên phòng Thông Thụ (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An) đã tới trò chuyện, vận động gia đình ông Ngân Văn Thanh cùng xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Ban đầu, người đàn ông tuổi 60 này còn lưỡng lự. Nhưng rồi nghĩ tới việc chạy vạy lo từng bữa ăn, ông Ngân Văn Thanh đã quyết định thử sức “đánh giặc nghèo” cùng bộ đội biên phòng.

Để ông Ngân Văn Thanh tin tưởng, cán bộ chiến sĩ của Đồn biên phòng đã xắn tay vào làm cùng. Trước hết, các anh đào ao thả cả, lấy nước tưới. Sau những nhát cuốc của các chiến sĩ bổ xuống, một khoảnh rau vuông vức hình thành, mơn mởn những rau cải, xà lách…

Những cây cam bù, ổi, táo cũng dần bén đất, tốt xum xuê cả sườn núi, dưới gốc cây đàn gà đẻ mê mải bới đất tìm giun. Ông Ngân Văn Thanh tâm sự: “Từ chỗ thiếu ăn, gia đình tôi không những tự túc được lương thực, thực phẩm mà còn có rau sạch, gà sạch bán ra thị trường. Đặc biệt, vườn cam bù vụ Tết 2018, 100 gốc cam đã mang đem lại khoảng 100 triệu đồng”.

Cán bộ Đồn biên phòng Thông Thụ (BCH BĐBP Nghệ An) hướng dẫn ông Ngân Văn Thanh chăm sóc cây cam
Cán bộ Đồn biên phòng Thông Thụ (BCH BĐBP Nghệ An) hướng dẫn ông Ngân Văn Thanh chăm sóc cây cam

Gia đình ông Ngân Văn Thanh là 1 trong 3 hộ nghèo đã được Đồn Biên phòng Thông Thụ hỗ trợ, giúp đỡ phát triển kinh tế. Với việc xắn tay vào làm cùng người dân, 3 mô hình kinh tế này đều phát huy hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững nơi vùng biên này.

Trao đổi với PV Dân trí, Đại úy Nguyễn Văn Thưởng - Chính trị viên phó của Đồn biên phòng Thông Thụ - chia sẻ kinh nghiệm: “Thay đổi tư duy, thói quen sống dựa vào thiên nhiên cả hàng trăm năm nay không phải là điều đơn giản. Bộ đội biên phòng phải vừa làm, vừa vận động, làm công tác tư tưởng và thay đổi dần nếp suy nghĩ của bà con”.

“3 cùng” với đồng bào nghèo vùng biên

Câu chuyện giảm nghèo ở UBND xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) cũng là một điển hình trong cách làm gắn bó giữa quân và dân. Năm 2012, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn tới hơn 70% số hộ toàn xã. Cùng với 2 xã nghèo khác là Bắc Lý (Kỳ Sơn), Môn Sơn (Con Cuông), xã Tam Hợp được UBND tỉnh Nghệ An phân công Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An giúp đỡ thoát nghèo.

Sau hơn 5 năm được bộ đội biên phòng giúp đỡ, tỉ lệ hộ nghèo của Tam Hợp giảm xuống còn 49%, trung bình cứ mỗi năm giảm được 3,5% hộ nghèo.


Thượng tá Trần Đăng Khoa - Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An: Giúp đỡ đồng bào vùng biên giới thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BĐBP Nghệ An

Thượng tá Trần Đăng Khoa - Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An: Giúp đỡ đồng bào vùng biên giới thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BĐBP Nghệ An

Theo Thượng tá Trần Đăng Khoa - Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Nghệ An - ngay từ ban đầu, cán bộ chiến sĩ đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm.

“Bằng việc đóng góp ngày lương, ngày công và huy động nhiều nguồn hỗ trợ và cách thức hỗ trợ khác nhau để giúp đỡ các địa phương một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Trung bình mỗi năm chúng tôi hỗ trợ mỗi xã 300 triệu đồng mua con giống, cây giống để bà con phát triển kinh tế” - Thượng tá Trần Đăng Khoa cho biết.

Nhờ sự vào cuộc của bộ đội biên phòng, 31 căn nhà được xây mới, sửa chữa 17 căn; 12ha lúa nước được khai hoang và xây dựng được 8 mô hình phát triển kinh tế; trao 21 con bò sinh sản, 50 con dê và 150 cặp lợn giống cho bà con.

Chia sẻ kinh nghiệm, Thượng tá Trần Đăng Khoa cho biết: “Với phương châm xây dựng mô hình nào chắc thắng mô hình đó, chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ địa bàn với phương châm 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với đồng bào”.

Sau 5 năm thực hiện phân công giúp đỡ xã nghèo của UBND tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo tại 3 xã này giảm xuống còn dưới 50%, đời sống người dân đã được cải thiện, các điều kiện kinh tế, xã hội được nâng lên rõ rệt. Nhờ vậy tình hình an ninh quốc phòng khu vực biên giới được giữ vững.

Hơn 3.600 con bò giống đã được trao tận tay, tạo sinh kế phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng biên giới
Hơn 3.600 con bò giống đã được trao tận tay, tạo sinh kế phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng biên giới

Không chỉ giúp 3 xã nghèo trên, 27 xã biên giới trên bộ có Đồn biên phòng trú chân, các chương trình hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo đều được triển khai. Hàng năm, 1-2 hộ dân thuộc các xã nghèo này được các đồn biên phòng, mỗi tổ địa bàn hỗ trợ để thoát nghèo. Hơn 3.600 con bò giống, 250 con lợn nái địa phương đã được bộ đội biên phòng Nghệ An phối hợp với Tập đoàn Viettel trao, tạo sinh kế thoát nghèo cho các hộ dân vùng biên giới.

Nếu như trước đây mỗi con bò giống được cấp cho 1 hộ nghèo thì hiện nay, bộ đội biên phòng Nghệ An thực hiện việc cấp 1 con giống cho 5 hộ gia đình. Khi bò giống sinh con, các con bê sẽ lần lượt được giao cho hộ dân thứ 2 đến hộ thứ 5, lúc đó, con bò giống ban đầu sẽ hoàn toàn thuộc sở hữu của hộ đầu tiên nhận nuôi.

Cách làm này đã khiến các hộ dân có trách nhiệm trong việc giám sát lẫn nhau nhằm phát huy hiệu quả chương trình tặng bò giống của bộ đội biên phòng một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, với 27 xã biên giới trên đất liền với hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nơi tỉ lệ hộ đói, hộ nghèo và cận nghèo lên tới hơn 74%, địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu thì công tác xóa đói giảm nghèo vẫn là thách thức không nhỏ đối với chính quyền các cấp và lực lượng bộ đội biên phòng.

Hoàng Lam

(Còn nữa)