1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bạn có tự “phỉnh” mình?

(Dân trí) - Trong công việc có bao giờ bạn tự dối mình? Câu trả lời của hầu hết mọi người là “có”. Một giáo sư tâm lý đã lý giải tại sao khi làm việc, chúng ta lại có thói quen thích tự dối mình như vậy.

 

 

Bạn có tự “phỉnh” mình? - 1

 

“Người ta luôn thích tự dối mình như vậy. Chúng ta luôn vin vào những điều phù hợp với sự tự nhận thức về bản thân và nuôi dưỡng một hình ảnh về chính mình thường nghiêng về hướng tích cực hơn là chính xác”.

 

Trên thực tế, vị giáo sư này đã vạch ra 6 cách phổ biến chúng ta thường dùng để tự “phỉnh phờ” mình, khiến bản thân có cảm giác dễ chịu hơn. Mặc dù tác giả cho rằng một số thủ pháp kiểu AQ này khá hiệu quả trong việc giúp ta thoát khỏi tình trạng trầm cảm hay quỵ luỵ trước người khác, nhưng cũng có khi, điều đó lại gây ra một số vấn đề. Chúng ta sẽ thử cùng nhìn nhận từng phương pháp một dưới đây:

 

1. Hợp thức hoá

 

Thường đi kèm với thái độ phủ nhận, hợp thức hoá thường là cách chúng ta khoả lấp điều gì đó ta nghĩ là không đúng. Chẳng hạn khi người làm sếp nộp những hoá đơn giả kèm theo các giấy tờ thanh toán chi phí để có thêm thu nhập hàng tháng rồi tự nhủ với mình rằng: “Ai chẳng làm vậy và hơn nữa, công ty cũng có trả lương cho mình thoả đáng đâu cơ chứ”. Cũng như vậy khi các ứng viên tìm việc nói dối trong bản CV của họ để được tới phỏng vấn và viện cho mình mọi lý do cho hành động gian dối đó là: “các điều kiện đặt ra cho ứng viên của họ là không thiết thực… đó là cách duy nhất để tôi có cơ hội chứng tỏ rằng mình là người phù hợp với công việc”.

 

Nói tóm lại, hợp thức hóa là cách chúng ta tự cho phép mình đi những lối tắt, tránh phải nhận thêm công việc và “kiếm chác” các nguồn lợi vật chất.

 

Câu hỏi đặt ra: Gần đây bạn đã bao giờ tự hợp thức hoá điều gì đó để thấy thoải mái hơn về mọi lựa chọn hay mọi quyết định tại thời điểm đó, dù rằng bạn cũng thấy bất hợp lý hay không?

 

2. Coi mình giỏi hơn người khác

 

Vị giáo sư cũng chia sẻ một ví dụ khá thú vị về vấn đề này. Ông ấy thường hỏi các sinh viên của mình về việc họ thấy những kỹ năng xã hội của họ ở mức độ nào. Các mức độ được chia theo nấc từ 1-10, trong đó mức 1 là mức gần như không có khả năng hoà nhập xã hội và mức 10 là mức tốt nhất. Dưới đây là những chia sẻ của ông: “Khi tôi hỏi các sinh viên về vấn đề này, câu trả lời của họ thường ở mức 8 hoặc 9. Ngay cả khi tôi yêu cầu họ so sánh họ trong phạm vi các sinh viên cùng trường thì vẫn có rất nhiều sinh viên khẳng định kỹ năng quan hệ xã hội của họ tốt hơn mức bình thường. Bạn hỏi tôi có ấn tượng về điều đó không hả, không hề. Hoặc là tôi là giáo sư may mắn nhất ở trường này hoặc đa số các sinh viên đó đã tự phỉnh phờ chính họ”.

 

Theo ông, tâm lý “tôi giỏi hơn người khác” khá phổ biến. Ông này cũng trích dẫn một nghiên cứu cho thấy có tới 86% số nhà quản lý tin rằng họ đúng mực hơn những người cùng nắm giữ cương vị như họ. Hãy thử trung thực với nhau nhé, đã bao nhiêu lần bạn có ý nghĩ này: “Mình tốt hơn các đồng nghiệp khác”. Hoặc hơn thế, lần cuối cùng bạn cho rằng mình giỏi hơn sếp của bạn là khi nào?

 

Câu hỏi đặt ra: Trong công việc của mình, bạn có thực sự giỏi giang như bạn nghĩ không?

 

3. Ảo tưởng về khả năng kiểm soát tình huống

 

Đó là khi chúng ta nghĩ rằng, ngay cả trong các tình huống xung đột, chúng ta vẫn có khả năng kiểm soát được mọi hậu quả của tình huống. Chẳng hạn, không ít nhân viên nghĩ rằng chỉ cần họ làm việc tốt và chỉn chu nơi công sở thì họ có thể giữ mãi được công việc của mình. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế vừa qua, hẳn nhiều người đã nhận ra rằng, chẳng có cái gọi là sự ổn định có thể kiểm soát được trong công việc.

 

Câu hỏi đặt ra: Bạn có nghĩ rằng những nỗ lực vất vả của bạn trong công việc sẽ giúp bạn đảm bảo vị trí của mình lâu dài như mong muốn hay không?

 

4. Thích ánh sáng của vinh quang

 

Có thể nói đây là cách tự “phỉnh” ưa thích nhất của tôi và nó lý giải cho ta thấy tại sao chúng ta thường bị thu hút vào những người đã gặt hái được những thành công lớn trong công việc. “Con người là các sinh vật xã hội, chúng ta dành khá nhiều thời gian trong đời để tìm kiếm và tạo mối quan hệ với những người khác. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ta cố gắng tự cảm thấy thoải mái về bản thân, cố nhớ lại những mối quan hệ với những người nổi tiếng và đắm chìm trong ảnh hưởng vinh quang của họ”. Nói chung, chúng ta thích khoe khoang về những quen biết giữa mình với những người nổi tiếng. Điều đó đúng lắm, đó chẳng phải là lý do cho thấy, người ta thích chia sẻ các cuộc trò chuyện của họ với những người nổi tiếng như một cách thức tạo dựng giá trị của chính mình hay sao? Thêm nữa, tại sao chúng ta rất nhiệt tình nói về sự tham gia của mình vào các dự án thành công ở nơi làm việc nhưng lại có xu hướng lờ đi việc có mặt ở những phần việc thất bại?

 

Câu hỏi đặt ra: Bạn thường thích khoác lác về ai hoặc về điều gì khi muốn nâng cao uy tín trong công việc của mình?

 

5. Nhìn xuống để thấy mình hơn người

 

Chuyện gì sẽ xảy ra khi ai đó vốn lâu nay ta coi là bình đẳng đột nhiên trở nên thành công hơn ta? Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào khi phải đối diện với một thực tế là ta thực ra chẳng giỏi giang hơn người khác? Đơn giản lắm. Chúng ta bắt đầu so sánh mình với những người kém thành công nhất mà ta biết. Đôi khi chính những khó khăn, trở ngại của người khác lại làm cho ta cảm thấy vui vẻ hơn trong cảnh ngộ của mình. Chẳng hạn, ta sẽ thấy những thiếu thốn về vật chất của mình xem ra cũng không quá tệ nếu so sánh với người đang bị ngân hàng tịch thu tài sản vì thiếu nợ, v.v…

 

Câu hỏi đặt ra: Khi ai đó vốn được bạn coi là “ngang phân” với mình (một đồng nghiệp chẳng hạn) lại thành công hơn bạn trong công việc, bạn có phản ứng bằng cách dành nhiều thời gian hơn với những người mà bạn luôn cảm thấy họ kém cạnh bạn?

 

6. Tự đánh mất khả năng thực sự của mình

 

Một sự “phỉnh phờ” nữa cũng khá phổ biến là chúng ta thường chọn cách tự phá hỏng khả năng thực sự của mình để bảo vệ cái tôi cá nhân. Ví dụ tiêu biểu nhất của điều này là việc các sinh viên thường không ở nhà vào buổi đêm trước ngày thi. Nếu trượt, họ đã có lý do để biện bạch, nếu đỗ họ lại được dịp khoác lác về thành công của mình bất kể việc chẳng học hành gì. Trong thế giới công sở, người ta vẫn thường làm như vậy. Bất cứ ai đã từng trì hoãn những phần việc “xương xẩu” đến phút chót hẳn sẽ cảm thấy có lỗi vì điều này. Trên thực tế, rõ ràng, việc tự phá hỏng khả năng thực sự của mình chính là cách thường thấy khi người ta kéo lùi sự tiến bộ của họ trong sự nghiệp.

 

Câu hỏi đặt ra: Đã bao giờ bạn khỏa lấp cho việc không thể thăng tiến trong sự nghiệp bằng một tác nhân bên ngoài chưa?

 

Vậy là giờ đây bạn đã hiểu những cách thức chúng ta vẫn thường tự “phỉnh phờ” mình. Câu hỏi đặt ra là: “Chúng ta nên làm gì với cái thói lảng tránh sự thật ấy?” Vị giáo sư tâm lý cho rằng, mặc dù chúng ta cần hiểu rõ khía cạnh tiêu cực của thói quen ấy, nhưng chúng ta cũng cần nắm được mặt tích cực của nó: “Nhiệm vụ của chúng ta, về mặt tâm lý mà nói, không phải là loại bỏ tất cả những thói quen tự “phỉnh phờ” đó mà hãy biến nó thành có ích với mỗi người. Hãy “lôi” chúng ra làm vũ khí khi chúng ta cảm thấy mình bị đe doạ và loại bỏ chúng đi khi ta đã sẵn sàng đối diện với thực tế. Chúng ta có cần lúc nào cũng phải đánh giá bản thân trong mối liên hệ với những kỹ năng kém cỏi không? Không, chúng ta cần nuôi dưỡng thái độ tự mãn và thúc đẩy cảm giác phóng đại về khả năng của mình. Nhưng đôi khi, một chút so sánh với những người kém cỏi hơn ta nhiều lại là cái ta cần để thoát khỏi cảm giác thất bại, hoặc có khi thái độ coi mình là hơn hết thảy lại có tác dụng nào đó, hoặc thêm một chút hợp thức hoá nữa”.

 

Đỗ Dương
Theo Careerealism