Bạc Liêu: Nhiều mô hình góp phần giảm nghèo bền vững của TP Bạc Liêu

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều mô hình giảm nghèo của TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đã mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo bền vững và xóa hộ nghèo theo tiêu chí trên địa bàn.

Ngày 6/12, UBND TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) tổ chức hội nghị tổng kết chương trình muc tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và công bố TP Bạc Liêu hoàn thành mục tiêu xóa hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Bạc Liêu: Nhiều mô hình góp phần giảm nghèo bền vững của TP Bạc Liêu - 1

Bà Đỗ Ái Lam - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Bạc Liêu, cho biết cuối năm 2019, TP không còn hộ nghèo theo tiêu chí.

Báo cáo của UBND TP Bạc Liêu cho biết, trong năm 2016 đã giảm 474/1.646 hộ nghèo (tỷ lệ 1,48%); năm 2017 giảm 489/1.172 hộ nghèo (tỷ lệ 1,37%); năm 2018 giảm 463/683 hộ nghèo (tỷ lệ 1,28%); năm 2019 giảm 170/225 hộ nghèo (tỷ lệ 0,5%).

Đến cuối năm 2019, TP Bạc Liêu không còn hộ trong diện nghèo đa chiều. Dự kiến, đầu năm 2020, TP chỉ còn là 50 hộ, tỷ lệ 0,12%. Đây là những hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.

Đáng chú ý, để giảm được số hộ nghèo nêu trên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, thì thời gian qua TP Bạc Liêu đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo được đánh giá rất có hiệu quả.

Theo đó, TP đã triển khai mô hình phân công đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhận giúp đỡ hộ nghèo (cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ hộ nghèo).

Hàng năm, UBND TP phân công các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể nhận giúp đỡ hộ nghèo, phân công phường nội ô có điều kiện vận động nhận giúp đỡ hộ nghèo của 3 xã và phường Nhà Mát.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, có 1.596 hộ nghèo được các ngành nhận giúp đỡ, với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, bằng nhiều hình thức, như: Hỗ trợ bằng tiền, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ cây, con giống, thức ăn, sửa chuồng trại, hỗ trợ máy bơm nước và các mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ nuôi gà, vịt, dê, heo...; đa số các hộ nghèo được giúp đỡ đều thoát nghèo bền vững.

“Sau khi được phân công nhận giúp đỡ hộ nghèo, các cơ quan, đơn vị khẩn trương xuống địa bàn trực tiếp khảo sát điều kiện thực tế của từng hộ nghèo và nghiên cứu mô hình làm ăn thích hợp cho từng hộ nghèo. Qua đó, có phương án hỗ trợ giúp đỡ cụ thể, nhất là hướng dẫn phương thức làm ăn, cách quản lý, sử dụng nguồn vốn, phương tiện sản xuất của hộ nghèo sao cho có hiệu quả”, lãnh đạo UBND TP Bạc Liêu chia sẻ.

Đại diện một hộ thoát nghèo của TP Bạc Liêu chia sẻ.

Trên địa bàn TP Bạc Liêu còn có mô hình vận động Ban trị sự Giáo hội Phật giáo TP Bạc Liêu hỗ trợ cho hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.

Theo đó, phát huy tinh thần đoàn kết, cộng đồng trong việc giúp đỡ hộ nghèo thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội (già yếu, ốm đau, bệnh tật, mất sức lao động...) không có khả năng thoát nghèo có cuộc sống ổn định, không phải thiếu đói, UBND TP đã ký kế hoạch liên tịch với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP vận động Ban trị sự Giáo hội phật giáo TP Bạc Liêu hỗ trợ hàng tháng cho hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.

Qua đó, từ năm 2016 – 2018, bình quân một năm có 50 hộ nghèo bảo trợ xã hội được nhận gạo, nhu yếu phẩm theo từng tháng; riêng năm 2019 có 70 hộ nghèo được nhận (bình quân 300.000 đồng/hộ/tháng).

“Đây là mô hình mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thành công của mô hình ngoài việc giúp người nghèo có cuộc sống ổn định, bảo đảm không bị thiếu đói, còn tạo được lòng tin của người dân vào công cuộc xây dựng đất nước, mô hình còn góp phần vào công tác ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”, lãnh đạo UBND TP Bạc Liêu nhận định.

Bạc Liêu: Nhiều mô hình góp phần giảm nghèo bền vững của TP Bạc Liêu - 2

Đại diện Ban Từ thiện Phật giáo TP Bạc Liêu tặng quà cho người nghèo.

Bên cạnh đó, mô hình “Năm Dân vận khéo” cũng được TP Bạc Liêu triển khai thực hiện, với nguồn kinh phí khoảng 20 tỷ đồng/năm.

UBND TP Bạc Liêu cho biết, việc tổ chức mô hình này nhằm huy động mọi nguồn lực ngoài xây dựng các công trình công cộng, còn góp phần vào công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhà ở, y tế, văn hóa, thể thao, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP Bạc Liêu cho biết ngoài nhân rộng các mô hình giảm nghèo, sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với đào tạo nghề với sử dụng lao động; đẩy mạnh xuất khẩu lao động để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; giải quyết tốt các chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội vào việc thực hiện công tác giảm nghèo.

UBND TP Bạc Liêu cũng kiến nghị Trung ương tăng cường nguồn vốn để đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Huỳnh Hải