1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

An toàn lao động: Quy định về điều kiện làm việc cho người khuyết tật ra sao?

(Dân trí) - Bạn Nguyễn Tuấn Vũ (phố Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi: Trong tháng tới, tôi có một người em bị khuyết tật sắp đi làm ở một doanh nghiệp tại Bắc Ninh. Xin hỏi những quy định về điều kiện làm việc của người khuyết tật có thay đổi không trong Luật Lao động 2019 mới được ban hành không?

An toàn lao động: Quy định về điều kiện làm việc cho người khuyết tật ra sao? - 1

Người khuyết tật tìm việc tại TT DVVL Hà Nội (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Được biết sau một thời gian lấy ý kiến, góp ý của dư luận xã hội, Dự thảo Luật Lao động năm 2012 sửa đổi đã được Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét và góp ý. Tại Kỳ họp lần thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Dự thảo với tên gọi mới là Luật Lao động năm 2019.

Liên quan tới những quy định về điều kiện làm việc của người khuyết tật, Luật Lao động 2019 có nêu tại 3 điều luật, như sau:

Điều 158. Chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật.

Về quy định thời làm việc ban đêm, Luật Lao động 2019 vẫn giữ như quy định cũ: Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là người khuyết tật; có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là người khuyết tật vào làm việc theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

Điều 159. Sử dụng lao động là người khuyết tật.

Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật .

Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Điều 160. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật.

Sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm mà không được sự đồng ý của lao động là người khuyết tật.

Sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của lao động là người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về những công việc đó.

An toàn lao động: Quy định về điều kiện làm việc cho người khuyết tật ra sao? - 2

Như vậy, so với quy định của Luật Lao động 2012, Luật Lao động 2019 có một số điều chỉnh.

Về chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật, Luật Lao động 2019 đã lược bỏ quy định: “Chính phủ quy định chính sách cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với người sử dụng lao động sử dụng lao động là người khuyết tật”.

Theo các chuyên gia, quy định hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với người lao động là người khuyết tật, đã được nêu tại Luật Việc làm và các văn bản pháp luật liên quan.

Về quy định sử dụng lao động là người khuyết tật, Luật Lao động 2019 nêu rõ việc người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp. Trước đó, Luật Lao động 2012 chỉ quy định người sử dụng lao động phải thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của họ.

Về quy định các hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật, Luật Lao động 2019 bổ sung trường hợp người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm khi có sự đồng ý của chính người khuyết tật.

Đặc biệt, Luật Lao động 2019 đã bổ sung quy định cấm sử dụng người khuyết tật làm các công việc trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.

Hoàng Mạnh