1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

An toàn lao động: Hơn 4.500 doanh nghiệp được hỗ trợ an toàn vệ sinh lao động

(Dân trí) - Giai đoạn 2016 - 2019, cả nước có trên 4.500 doanh nghiệp được tư vấn xây dựng, ứng dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), trong đó trên 400 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu, làm mẫu xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

Hơn 4.500 doanh nghiệp được hỗ trợ an toàn vệ sinh lao động

Đây là kết quả được công bố tại Hội nghị tổng kết triển khai Dự án 3 “Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và an toàn lao động năm 2019. Hội nghị được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 4/12 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và những đóng góp tích cực của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đồng hành triển khai chương trình để đạt những kết quả của dự án.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, bên cạnh hơn 4.500 doanh nghiệp được tư vấn xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động, Dự án còn hỗ trợ huấn luyện cho trên 60.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

An toàn lao động: Hơn 4.500 doanh nghiệp được hỗ trợ an toàn vệ sinh lao động - 1

Đồng thời, Dự án còn hỗ trợ phổ biến thông tin về AT-VSLĐ thường xuyên, liên tục tại 63 tỉnh/thành phố, đến trên 40 làng nghề, 600 hợp tác xã, trên 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2.000 hội viên nông dân làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trong tình hình kinh tế khó khăn chung của cả nước, Dự án cũng gặp khó khăn trong một số hoạt động như: triệu tập người quản lý lao động, người làm công tác an toàn tham gia các lớp huấn luyện định hướng; phối hợp xây dựng mô hình quản lý, đo kiểm tra đánh giá môi trường lao động; tư vấn cải thiện điều kiện làm việc.

Về phía địa phương, cán bộ phụ trách về an toàn vệ sinh lao động ở cấp huyện, cấp xã còn là cán bộ kiêm nhiệm, công việc nhiều, chuyên môn trong lĩnh vực an toàn không sâu, nên càng khó khăn trong công tác tuyên truyền. Ngân sách địa phương cấp cho các hoạt động của Chương trình rất hạn chế.

Công tác báo cáo thực hiện Dự án, Chương trình nói riêng và công tác ATVSLĐ nói chung là chậm, không đầy đủ thông tin. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác phân tích, đánh giá, đề xuất kịp thời giải pháp đối với Dự án, Chương trình.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá: “Mặc dù, có những khó khăn nhất định, nhưng nhờ có sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là sự hưởng ứng, đồng thuận của người sử dụng lao động, người lao động trên cả nước, về cơ bản các mục tiêu của Dự án đã đã được triển khai hoàn thành theo đúng tiến độ, thực hiện giảm tần suất tai nạn lao động so với giai đoạn 2011-2015”.

Nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu của Dự án đề ra và kết thúc chương trình vào năm 2020, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương có mặt trong Hội nghị hôm nay tập trung một số công việc trọng tâm.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đồng thời thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp, lựa chọn các hoạt động thiết thực nhất nhưng vẫn bám sát mục tiêu của Chương trình nhằm sử dụng hiệu quả kinh phí, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Dự án và Chương trình đề ra.

Đồng thời cần sử dụng đúng các chế độ tài chính theo quy định của Nhà nước; đẩy nhanh việc phê duyệt kế hoạch, cấp kinh phí; thực hiện lồng ghép tăng hiệu quả các hoạt động và chấp hành tốt công tác báo cáo kịp thời để có cơ sở đánh giá, tổng kết chương trình và dự án vào năm 2020.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú ý phát hiện các mô hình, điển hình tốt để biểu dương, nhận rộng và khen thưởng, biểu dương khen thưởng đối với các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực hiệu quả trong việc ngăn ngừa và giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

P.M