1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ấn Độ: Càng học cao càng dễ… thất nghiệp

Ấn Độ là một trong những quốc gia hiếm hoi, nơi bạn càng học cao càng dễ thất nghiệp. Tỷ lệ người tốt nghiệp cao đẳng và đại học thất nghiệp lên đến 17%, cao hơn so với người chỉ tốt nghiệp trung học (số liệu thống kê năm 2001).

Tương lai của một cô gái Ấn Độ học đại học kinh doanh không phải kiếm ngay được một công việc với mức lương 100.000 USD/năm mà là đi gõ cửa từng nhà để bán thẻ tín dụng, kiếm 4 USD mỗi ngày. Các nhà giáo dục và kinh doanh Ấn Độ nhận xét rằng các sinh viên sau khi học xong các trường danh giá vẫn chỉ có một mớ kiến thức ít ỏi, năng lực kém cỏi, khả năng tiếp nhận thông tin và kiến thức thụ động. Đó là lý do khiến họ khó tìm được việc làm sau khi ra trường.

 

Hệ thống giáo dục Ấn Độ đang khiến hàng triệu sinh viên bị tụt vào lớp đáy trong một nền kinh tế hai lớp, khiến đất nước không tận dụng được nhân tài và khiến sinh viên mất cơ hội hưởng thành quả của cuộc cải cách kinh tế.

 

Vấn đề lớn nhất, theo các chuyên gia, là môi trường trong lớp học, thứ môi trường khiến những sinh viên tuổi 20 hóa thành trẻ con, chỉ im lặng ghi chép và giữ kỷ luật, không dám phân tích, tranh luận và thuyết phục người khác.

 

Họ cũng thiếu những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm: nói tiếng Anh chuẩn không bị pha âm sắc địa phương, thiết kế và trình bày bằng Power Point, viết một cách logic, làm việc theo nhóm và nắm lấy những cơ hội lãnh đạo.

 

Chủ tịch Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ, nơi quy tụ nhiều công ty hàng đầu của Ấn Độ, cho biết, năm 2005, chỉ có 10% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Ấn Độ được các công ty nước này cho là “dùng được”.

 

Trong khi sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, nhiều công ty trên khắp Ấn Độ lại than phiền rằng họ không kiếm được nhân viên giỏi. Trong khi đó, những bạn học các trường “thường thường bậc trung” lại có một tương lai xán lạn hơn. Ở các trường “tầm tầm”, việc học hành rất vất vả và khắc nghiệt. Thầy giáo sẵn sàng đuổi một học sinh đến muộn hai phút. Trong giờ học, nếu chẳng may bị bắt gặp nói chuyện riêng, sinh viên có thể bị phạt đứng cả giờ học. Nếu sinh viên có ý định học hành chểnh mảng, chắc chắn tên cậu ta sẽ bị gạch khỏi danh sách. Tính kẻ luật được rèn rũa giúp sinh viên ra trường dễ hoà mình vào môi trường lao động.

 

Đôi khi, các sinh viên giỏi bị loại chỉ vì họ thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu tự tin. Như một giám đốc nhân sự nói: “Anh có thể rất thông minh. Nhưng vì anh học ở một nơi biệt lập, anh không nói giỏi tiếng Anh. Anh lại không được rèn luyện kỹ năng trình bày, kỷ luật. Thế thì anh trượt”.

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/IHT