1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ama - những thợ lặn nữ bí ẩn ở Nhật Bản

Không có thiết bị thở hỗ trợ nhưng những người phụ nữ lặn tự do tại Nhật Bản có thể lặn sâu tới 10m và bơi cách xa bờ hàng cây số. Họ được gọi là các Ama.

Ama - Những thợ lặn nữ bí ẩn ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản có một nghề lặn biển khai thác hải sản truyền thống chỉ do phụ nữ đảm nhiệm. Họ được gọi là các Ama, những người được ví như "mỹ nhân ngư" của Nhật Bản, có thể lặn sâu tới 10m và bơi cách xa bờ hàng cây số mà không có thiết bị thở hỗ trợ. Thế nhưng, cuộc sống hiện đại đang khiến những người làm nghề Ama ngày càng giảm và nhiều Ama lo ngại họ sẽ là những người cuối cùng gìn giữ nghề của tổ tiên.

Đã hơn 60 tuổi nhưng mỗi sáng, bà Estuko đều ra bờ biển cùng nhóm Ama trên đảo Iki, một đảo biên giới của Nhật Bản. Chỉ có một chiếc kính bơi, đôi chân vịt, không có trang thiết bị thở hiện đại nào, những Ama này sẽ bơi ra xa bờ lặn bắt các loại sò và rong biển.

Huyện đảo Iki, tỉnh Nagasaki, đạt đỉnh dân số vào năm 1993 với 54.000 người, nhưng đến năm 2014 dân số đã giảm một nửa còn 27.000 người và đang tiếp tục giảm. Những người làm nghề Ama trên đảo chỉ còn lại khoảng vài chục người nhưng hầu hết họ đều coi Ama là nghề phụ hoặc chỉ làm vì sở thích cá nhân.

Chính sách bảo vệ biển của Chính phủ và chính quyền địa phương đã thắt chặt việc khai thác và đánh bắt gần bờ. Những người sử dụng thiết bị lặn hiện đại đều không được khuyến khích, còn những Ama được cho phép xuất phát từ tính chất truyền thống và mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa.

Để đảm bảo tính an toàn, những Ama thường lặn ở độ sâu từ 8 - 10m, trong thời gian khoảng 1 phút. Ama là cách gọi của người Nhật để tôn vinh và chỉ những người làm nghề truyền thống.

Nhật Bản đang muốn bảo tồn nghề Ama kết hợp với du lịch. Theo đó, khách du lịch có thể lặn cùng Ama hoặc các Ama có thể phục vụ các món hải sản vừa được lấy lên ngay tại bờ biển.

Theo VTV.VN