1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ai có quyền ra quyết định hoãn, ngừng cuộc đình công của người lao động?

(Dân trí) - Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền lùi thời điểm, tạm dừng cuộc đình công nhằm tránh nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh…

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về giải quyết tranh chấp lao động.

Thẩm quyền hoãn, ngừng đình công

Theo nội dung dự thảo nghị định, hoãn đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh ra quyết định lùi thời điểm bắt đầu cuộc đình công đã ấn định trong quyết định đình công của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

Quyết định hoãn đình công của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được gửi cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động tại doanh nghiệp bị hoãn đình công, UBND cấp huyện và Sở LĐ-TB&XH.

Trường hợp ngừng đình công là việc Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định tạm dừng cuộc đình công đang diễn ra cho đến khi không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.

Quyết định ngừng đình công của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được gửi cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động tại doanh nghiệp bị ngừng đình công, UBND cấp huyện và Sở LĐ-TB&XH.

Các trường hợp hoãn, ngừng đình công

Theo dự thảo nghị định, trường hợp cuộc đình công dự kiến tổ chức tại các đơn vị cung cấp sản phẩm về điện, nước, vận tải công cộng và các dịch vụ khác trực tiếp phục vụ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động 2019.

Cuộc đình công dự kiến tổ chức tại địa bàn đang diễn ra các hoạt động nhằm phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định trường hợp hoãn, ngừng đình công diễn ra trên địa bàn xuất hiện thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Cuộc đình công diễn ra đến ngày thứ ba tại các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, vệ sinh công cộng làm ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân tại thành phố thuộc tỉnh.

Ngoài ra, cuộc đình công diễn ra có các hành vi bạo động, gây rối làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhà đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.

Quyền lợi của người lao động khi hoãn, ngừng đình công ra sao?

Theo dự thảo nghị định, trong thời gian thực hiện quyết định hoãn, ngừng đình công theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động nơi doanh nghiệp bị hoãn, ngừng đình công và các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên thương lượng, hòa giải để giải quyết các bất đồng.

Khi hết thời hạn hoãn, ngừng đình công theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh mà 2 bên không thương lượng giải quyết được các bất đồng, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có thể tiếp tục tổ chức đình công nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người sử dụng lao động, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh biết ít nhất là 5 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tiếp tục đình công.

Hoàng Mạnh