1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

84 tác phẩm lọt và chung kết cuộc thi viết về giảm nghèo

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 lần thứ nhất năm 2017.

84 tác phẩm lọt và chung kết cuộc thi viết về giảm nghèo - 1

Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 nhằm mục đích tôn vinh những địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình điển hình trong công tác giảm nghèo bền vững.

Sau 8 tháng phát động, tính đến hết ngày 10/9, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi của các cá nhân, tập thể các cơ quan báo chí trung ương và địa phương với các thể loại: phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình…

Chung cuộc có 84 tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo. Theo đó, có 2 đơn vị đạt Giải tập thể; 1 giải A; 5 giải B; 8 giải C và 10 giải khuyến khích.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự đóng góp của 24 tác giả có tác phẩm đạt giải; 2 tập thể với nhiều bài dự thi trong cuộc thi năm 2017, với nhiều tác phẩm ấn tượng.

Phó Thủ tướng mong muốn “những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, thông tin truyền thông” tiếp tục tham gia tích cực, đồng hành với cuộc thi trong năm 2018 và các năm tiếp theo, đi tới các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các vùng phía tây của các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng bãi ngang, ven biển để thu thập đề tài, viết về công tác giảm nghèo, thoát nghèo của người dân.

84 tác phẩm lọt và chung kết cuộc thi viết về giảm nghèo - 2

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm dự thi đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh của cả nước về tiến trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc phản ánh việc đổi mới hệ thống, cơ chế thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, sự quan tâm chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của Chính phủ cho mục tiêu giảm nghèo đến 2020.

Cùng với việc phản ánh về chuyển động trong triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, các tác phẩm cũng còn khắc họa được các mô hình giảm nghèo ở địa phương như: trồng rừng, chăn nuôi, học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn phát triển kinh tế đa dạng, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất…

Ban tổ chức Cuộc thi nhận định, dù là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức, nhưng đã có nhiều cơ quan truyền thông, báo chí ở trung ương, địa phương hưởng ứng tham gia, các tác phẩm dự thi đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh của cả nước về tiến trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc phản ánh việc đổi mới hệ thống, cơ chế thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, sự quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực của Quốc hội, Chính phủ cho mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020.

Nhiều tác phẩm đoạt giải với chất lượng tốt như: "Phát triển kinh tế tập thể - đưa nông dân vào sản xuất lớn" (nhóm tác giả Trần Phước, Thảo Ly); "Chính sách giảm nghèo: Vì sao vẫn như muối bỏ bể" (nhóm tác giả Hoàng Thu Thùy, Thanh Phương, Giàng Seo Phùa, Thu Hà); "Tốt nghiệp đại học để làm nông dân" (nhóm tác giả Thanh Tâm, Hồng Nhung); "Nghèo giữa rừng vàng" (nhóm tác giả Hữu Đại, Cao Tùng, Thanh Tùng, Minh Sơn, Khánh Linh); "Đào tạo nghề lao động nông thôn: Cần câu để giảm nghèo” (tác giả Anh Tuấn)…

Phan Minh

Tin liên quan:

Hà Nội: Tập huấn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017

Ngày 23/8, UBND huyện Mỹ Đức tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 và chương trình mục tiêu giảm nghèo năm 2017.

Ảnh: Hanoimoi.com.vn
Ảnh: Hanoimoi.com.vn

Tại đây, các học viên được các chuyên gia hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hướng dẫn phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2017 - 2022; cập nhật thông tin vào các phiếu A, B, C. Đồng thời, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm về quy trình hướng dẫn điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều năm 2017 được thực hiện 8 bước, trong đó chú trọng các bước: Xác định, lập danh sách các hộ cần rà soát và điều tra rà soát; tổng hợp và phân loại hộ.

Hội nghị là dịp giúp các học viên nắm vững hơn các quy định, quy trình thực hiện điều tra, xác định đầy đủ, chính xác hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thực hiện tốt tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2017, làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hằng năm của huyện.

V.T

Yên Bái: Rà soát thông tin đối tượng nghèo

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2017. Mục đích nhằm xác định và lập danh sách người nghèo, người cận nghèo; hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2017 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020,

Đồng thời, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được UBND tỉnh làm cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2018 và những năm tiếp theo. Theo kế hoạch, đối tượng rà soát sẽ bào gồm các hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo địa phương đang quản lý và những hộ có khả năng phát sinh nghèo, cận nghèo tại thời điểm rà soát đang sinh sống tại 180 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Dự kiến trong tháng 12/2017, các xã, phường, thị trấn cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm.

D.T

Cho hơn 1,1 triệu đối tượng nghèo vay vốn

Trong tháng 8/2017, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia.

84 tác phẩm lọt và chung kết cuộc thi viết về giảm nghèo - 3

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay với trên 1.193 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 31.241 tỉ đồng, tăng 3.269 tỉ đồng so với cùng kỳ trước, trong đó doanh số cho vay hộ nghèo là 6.987 tỉ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 5.709 tỉ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo là 6.455 tỉ đồng...

Cũng thời gian trên, có 13 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước với tổng kinh phí là 9.437 tỉ đồng; trên 01 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, với tổng kinh phí ngân sách Trung ương bố trí khoảng 4.968 tỉ đồng; khoảng 1,6 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện với kinh phí khoảng 470 tỉ đồng.

Riêng về dự án 135, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, khối lượng thực hiện đạt trên 50% so với kế hoạch, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 35% tập trung ưu tiên vào thanh toán nợ công trình của nhóm thợ cộng đồng thực hiện và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho các hộ dân.

T.P