1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

79% lao động mất việc tìm được việc làm mới

(Dân trí) - Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, tính đến hết tháng 5, toàn thành phố có khoảng 22 ngàn lao động mất việc; 79% trong số đó tìm được việc làm khác.

Công nhân mất việc tập trung tại các ngành nghề như dệt, may, da giày (gần 60%) và điện, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng (gần 25%). Công nhân mất việc chủ yếu là lực lượng lao động phổ thông.

 

Bằng cách lập sẵn danh sách các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, ngay khi nhận được tin doanh nghiệp nào thải công nhân, Sở LĐ-TB-XH kết hợp với Liên đoàn Lao động thành phố đã chuyển ngay số công nhân này đến các đơn vị cùng ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng. Nhờ đó, đến nay đã giới thiệu việc làm mới cho hơn 17.000 lao động mất việc, chiếm 79%.

 

Số lao động chưa tìm được việc làm mới chủ yếu là do lớn tuổi, ốm đau, thai sản, về quê… Ngoài ra, cũng có một số lao động tự tìm việc làm không thông qua chương trình hỗ trợ công nhân thất nghiệp nên chưa thống kê được.

 

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: “Nhiều lúc đưa xe đến tận nơi đón công nhân thất nghiệp tới đơn vị khác đang có nhu cầu tuyển dụng, nhưng nếu đơn vị mới xa chỗ đang làm thì họ không đi. Lý do là họ vào thành phố làm việc theo từng nhóm đồng hương, ở trọ cùng chỗ, nếu đi thì phải đi cả nhóm. Do đó, nhiều công nhân ở lại tự tìm việc khác”.

 

Cũng chính điều này khiến cơ cấu lao động phổ thông của TPHCM đang có xu hướng chuyển dịch từ các ngành may mặc, da giày, chế biến hải sản… sang lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

 

Tùng Nguyên