1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

6 tháng cuối năm 2015: Phấn đấu thêm 3,2 triệu người tham gia BHYT

“Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần phối hợp với các địa phương phấn đấu đạt tỉ lệ 75% người dân tham gia BHYT đến hết 2015. Nhóm đối tượng nào còn chậm so với tỉ lệ cần phải có giải pháp gỡ. Phấn đấu tới năm 2020, tỉ lệ dân số tham gia BHYT là 80%”.

Hội nghị trực tuyến thu hút sự quan tâm của nhiều bộ ngành

Chính phủ đặt quyết tâm đạt tỉ lệ 75 % dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2015.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế trong 6 tháng đầu năm 2015. Chương trình do Bảo hiểm xã hội VN, Bộ Y tế tổ chức chiều 1/7 tại Hà Nội.

BHYT là đầu tư cho mình và cộng đồng

Đề cập tới tính nhân văn của chính sách BHYT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Không thể có chất lượng dịch vụ tốt nếu giá cứ tiếp tục theo kiểu bao cấp hoặc thấp hơn giá thành. Nhưng chúng ta cũng đều biết, không thể làm được việc đó nếu không có hệ thống BHYT toàn dân đủ mạnh về tài chính.

Muốn vậy, chúng ta phải làm sao để mọi người hiểu và tham gia BHYT theo tinh thần: Người khỏe đóng góp vào để dành cho lúc yếu, người có điều kiện đóng góp vào cho những người không may bị bệnh. Chỉ khi Quỹ BHXH phát triển tốt, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh mới lên được”.

Về phát triển đối tượng tham gia BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mục tiêu 75 % diện phủ BHYT trong toàn dân vào cuối năm 2015. Ngành y tế và BHXH VN cần chủ động tìm ra những lý do vì sao một số nhóm đối tượng chưa đạt tỉ lệ 75 % tham gia BHYT? Tại sao sinh viên năm thứ nhất có tham gia BHYT, năm sau lại không có? Tại sao có nơi huyện đảo, xã đảo chỉ vì thủ tục không xác nhận được mà không cấp thẻ BHYT?

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề cập tới nhiệm vụ cấp bách của ngành bảo hiểm VN và Y tế trong việc tin học hóa hệ thống khám chữa bệnh theo BHYT từ xã lên trung ương.

“Mục tiêu đặt ra hoàn thành tới cuối năm 2015. Nếu hoàn thành được nhiệm vụ này sẽ hỗ trợ việc mở rộng công tác thu BHYT, tin học hóa hệ thống thanh toán hệ thống BHXH, tạo điều kiện cho người dân và từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ
tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tăng tỉ lệ bao phủ BHYT

Theo bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN - tính đến ngày 31/5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4 % so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.

Điểm đáng chú ý là nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đã có sự gia tăng theo hướng tích cực. Bà Nguyễn Thị Minh phân tích: “nếu so với thời điểm cuối năm 2014 số người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng hơn 400 nghìn người, tương đương 5,4%, chứng tỏ chính sách, pháp luật mới về BHYT đã dần đi vào cuộc sống và được người dân chấp nhận”.

Theo BHXH VN, tính đến 31/5/2015, số thu BHYT được 19.589 tỉ đồng, đạt 33,8% kế hoạch, tương đương quỹ BHYT được sử dụng là 17.631 tỉ đồng.

Kết quả sơ bộ trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo theo đúng quy định, những thay đổi cơ bản theo hướng mở rộng, nâng cao quyền lợi và đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng quyền lợi của chính sách BHYT đã được người dân hưởng ứng, tạo dư luận tích cực trong xã hội để tăng cường tính hấp dẫn của chính sách BHYT.

Trong 6 tháng đầu năm, đã có gần 60 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh theo chế độ BHYT với tổng số tiền được chi trả từ quỹ BHYT là gần 20 ngàn tỉ đồng.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, BHXH Việt Nam cũng đã hoàn thành chương trình thí điểm áp dụng phương pháp giám định tập trung theo tỷ lệ tại 15 địa phương, đơn vị với kết quả đáng khích lệ.

Phấn đấu 75 % dân số tham gia BHYT

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, tỉ lệ bao phủ BHYT trong 75 % dân số vào cuối năm 2015 là nhiệm vụ đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cấp, ngành.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận nhiều vấn đề trong triển khai khiến cho việc chưa đạt tỷ lệ tham gia BHYT ở một số nhóm đối tượng.

Tại nhóm tham gia theo hộ gia đình, thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa được cải cách triệt để. Người dân thiếu thông tin do hệ thống đại lý bán thẻ BHYT không ổn định, có nơi cán bộ đại lý vừa tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ BHYT xong thì tháng sau đã xin thôi việc.

Với nhóm đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Năm 2015, một số xã, huyện được đưa ra khỏi danh sách vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc nên đối tượng này giảm do không được ngân sách nhà nước mua BHYT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh có tỉ lệ bao phủ BHYT thấp dưới 60% cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện BHYT tại địa phương với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể đến từng huyện, xã, với từng nhóm đối tượng để tổ chức thực hiện đạt tỉ lệ 75% người tham gia BHYT vào năm 2015.

Còn tại nhóm hộ gia đình cận nghèo, theo lộ trình xóa đói, giảm nghèo hằng năm các tỉnh phấn đấu giảm 2% người thuộc hộ cận nghèo. Do đó số người không thuộc hộ cận nghèo không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng sẽ không tham gia BHYT. Nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.

Đặc biệt, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình về cơ bản vẫn chưa được nhiều tỉnh, thành phố xác định và lập danh sách đối tượng này theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ LĐ-TB&XH.

Do đó, cơ quan BHXH chưa có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này. Ngoài ra, quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho đối tượng này khi tham gia theo hộ gia đình nhưng không giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi cũng là khó khăn đối với đối tượng này.

Cũng đề cập tới mục tiêu phấn đấu diện bao phủ BHYT tới 75% dân số tới cuối năm 2015, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cho rằng cần cụ thể hóa bằng việc phát triển thêm 3,2 triệu người tham gia BHYT (tương đương 3,6% dân số cả nước).

“Tuy nhiên, hầu hết người có thu nhập không ổn định hoặc phụ thuộc về tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia BHYT nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp và hiệu quả.” - bà Nguyễn Thị Minh cho biết.

Khảo sát của BHXH VN, đến hết 31/5, Theo thống kê, đến hết tháng 5 năm 2015, có 31 địa phương có tỉ lệ bao phủ BHYT đạt dưới 70% dân số toàn tỉnh, trong đó có đến 15 tỉnh, thành phố mới bao phủ được dưới 60 % dân số.

Tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHYT chưa cao của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT.

Theo thống kê cuả BHXH, trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động; một số tỉnh trên 20% học sinh - sinh viên, trong đó chủ yếu là sinh viên từ năm học thứ 2 của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp chưa tham gia BHYT…

Hoàng Mạnh