4 trường hợp nên tuyển lại nhân viên cũ

(Dân trí) - “Có nên tuyển lại nhân viên cũ?” - đây là câu hỏi mà phần lớn các doanh nghiệp đều có lúc đặt ra.

Trong nhiều trường hợp thực tế, “nghỉ việc” không phải là dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa nhân viên cũ và công ty, bởi vẫn còn đó sự liên hệ giữa họ và các đồng nghiệp, trong khi bản thân họ là những người hiểu rõ hơn cả về văn hóa doanh nghiệp, môi trường và quy trình làm việc so với các ứng viên mới.

Tất cả những yếu tố này khiến cho “nhân viên cũ” trở thành một lựa chọn tiềm năng. Thế nhưng là một nhà quản lý, bạn nên lưu ý những gì khi có ý định tuyển lại nhân viên cũ? Bài viết này sẽ giúp bạn phân tích một số tình huống mà trong đó, việc nhận lại nhân viên cũ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà tuyển dụng.

4 trường hợp nên tuyển lại nhân viên cũ - 1

Khi nhân viên cũ có động lực mạnh mẽ để quay lại

Yếu tố đầu tiên cần cân nhắc khi tuyển lại nhân viên cũ đó là động lực khiến họ quay lại công ty. Nếu như trước đây, lý do khiến họ rời bỏ công ty là gì đi nữa thì ở thời điểm hiện tại, họ cần phải giải quyết được vấn đề đó trước khi tính đến chuyện quay lại.

Nếu nhân viên cũ rời bỏ công ty vì mức lương, kịch bản đó có lặp lại ở lần tuyển dụng này? Nhà tuyển dụng cần phải xem xét động lực nào khiến họ muốn ứng tuyển lại, hay chỉ đơn giản là họ đang chưa tìm được lựa chọn nào tốt hơn?

Ngược lại, có nhiều nhân viên lựa chọn quay lại công ty cũ vì nhận ra tiềm năng của họ tại đây trong tương lai, hoặc vì sau một thời gian họ đã tích lũy đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm một vị trí mới. Đây là những trường hợp có động lực tốt mà bạn rất nên cân nhắc.

Khi CV của họ vẫn đáp ứng đầy đủ quy trình tuyển dụng

Rất nhiều công ty mắc phải sai lầm khi tuyển lại nhân viên cũ, đó là bỏ qua các bước tuyển dụng thông thường. Cho dù đó có từng là nhân viên lâu năm hoặc được tín nhiệm, nhưng để quay lại làm việc, họ vẫn cần đảm bảo các bước của quy trình tuyển dụng bao gồm nộp đơn xin việc - phỏng vấn và làm các bài kiểm tra nếu cần.

Không nên chỉ vì họ là “người cũ” mà công ty có thể trao thẳng cơ hội cho họ mà không có quá trình cạnh tranh với các ứng viên mới. Nếu như nhân viên cũ vẫn hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của quá trình tuyển dụng thì đây là lúc bạn có thể đưa ra lời mời nhận việc một cách chính thức.

Khi công ty muốn cắt giảm ngân sách và thời gian đào tạo

Một trong những lợi ích của việc tuyển lại nhân viên cũ đó chính là công ty có thể tiết kiệm được một phần ngân sách và thời gian đào tạo.

Là một người đã từng làm việc tại công ty, họ sẽ rất nhanh chóng hòa nhập lại được với các đồng nghiệp, nắm được quy trình và bắt tay vào làm việc mà không cần quá nhiều nỗ lực của công ty để đào tạo lại.

Vì vậy, nếu chính sách tuyển dụng của công ty đang bị hạn chế về ngân sách, bạn rất nên cân nhắc phương án tuyển lại “người cũ” cho những “cơ hội mới” trong công ty.

4 trường hợp nên tuyển lại nhân viên cũ - 2

Khi nhân viên cũ có mối quan hệ tốt với nhân viên hiện tại

Đặt mình vào vị trí nhân viên cũ, bạn cần hiểu được một số khó khăn họ sẽ gặp phải khi quay lại công ty mà không được chào đón nhiệt tình.

Có thể vì một số mâu thuẫn lúc ra đi, hoặc vì đã lâu không liên lạc, nhân viên cũ sẽ gặp phải sự lạnh nhạt hoặc thờ ơ từ phía các đồng nghiệp.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm trạng và hiệu suất làm việc của họ. Ngược lại, về phía các nhân viên hiện tại, việc tuyển lại một người đã từng rời bỏ công ty sẽ đem lại nhiều dấu hỏi, nhất là khi họ không hề chào đón sự trở lại này.

Chính vì vậy, phương án an toàn hơn cả là hãy tuyển lại nhân viên cũ chỉ khi biết chắc rằng họ vẫn đang có mối quan hệ tốt đẹp với các nhân viên hiện tại.

Là một nhà tuyển dụng, bạn sẽ đôi lúc cảm thấy ngần ngại khi nối lại sự hợp tác với nhân viên cũ. Thế nhưng, “người cũ” hoàn toàn vẫn có thể đem lại những cống hiến mới, những cơ hội mới dựa trên những nền tảng sẵn có.

Để trả lời câu hỏi “có nên tuyển lại nhân viên cũ”, bạn sẽ cần tới sự tính toán, cân nhắc kỹ càng từ nhiều phía để có thể đưa ra được quyết định tối ưu nhất.

Ngân Linh