3 tháng đầu năm: Gần 200.000 người nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp

Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2017 của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp 119.969, trong đó có 5.954 người được hỗ trợ học nghề, 102.367 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp …Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng cho thấy hiệu quả của chính sách đã đi vào thực tế.

Số lượng tham gia BHTN tăng

Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm, kể từ ngày 1/1/2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực), do mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên số người tham gia chính sách trong năm 2015 đã tăng 11,8% so với năm 2014, năm 2016 tăng 7,3% so với năm 2015 và tiếp tục xu hướng tăng.

Cụ thể, theo báo cáo về bảo hiểm thất nghiệp của các địa phương, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2014 là 514.853, năm 2015 là 526.309, năm 2016 là 586.254 người.

3 tháng đầu năm: Gần 200.000 người nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp - 1

Bên cạnh đó, công tác tư vấn giới thiệu việc làm trong quy trình hỗ trợ thất nghiệp cũng hoạt động hiệu quả. Năm 2014, số người được giới thiệu việc làm thông qua việc đăng lý trợ cấp thất nghiệp tại các Trung tâm dịch việc làm là 125.736 người, năm 2016 là 144.624 người.

“Điều này chứng tỏ hiệu quả và tính bền vững của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang đi vào đời sống. Người lao động đã tin tưởng và tham gia vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng nhiều hơn” - bà Nguyễn Thị Hải Vân cho biết.

Để có được những kết quả trên, các cơ quan chuyên môn của Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, các Sở LĐ-TB&XH, các TT DVVL tổ chức đào tạo, tập huấn BHTN cho 100% cán bộ thực hiện BHTN của các Trung tâm dịch vụ việc làm, kỹ năng, quy trình tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp.

Đồng thời, Cục Việc làm đã tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm thực hiện BHTN, mô hình thực hiện BHTN để các Trung tâm dịch vụ việc làm nghiên cứu, áp dụng. Tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát liên ngành về tình hình thực hiện BHTN tại một số địa phương: Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thái Bình, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Tăng cường nhận thức về BHTN

Thông qua công tác triển khai chính sách, bà Nguyễn Thị Hải Vân đánh giá các mặt tích cực, như: Việc chuyển chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm không làm thay đổi mô hình tổ chức, không gây xáo trộn về hoạt động quản lý Quỹ, cũng như triển khai thực hiện chính sách.

Các cơ quan Trung ương đến địa phương đã nhận thức đúng vai trò, vị trí của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội.

Việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất và nhân lực ở cả Trung ương và địa phương đảm bảo giải quyết đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn cho người lao động.

Tuy nhiên còn nhiều hạn chế được cơ quan chức năng phát hiện qua việc thực hiện chính sách BHTN.

“Vẫn còn nhiều người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ về quyền, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách BHTN. Tâm lý người lao động chủ yếu muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà không quan tâm đến các chế độ khác như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề” - đại diện Cục Việc làm cho biết.

Một số doanh nghiệp chậm đóng và nợ đọng BHXH, BHTN nên không chốt được sổ BHXH gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BHTN.

Về tỷ lệ tham gia học nghề còn thấp, do thời gian dạy nghề ngắn. Chất lượng dạy nghề còn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, cơ cấu ngành nghề đào tạo ở một số địa phương chưa phù hợp với yêu cầu thực tế.

Theo Cục Việc làm, một số người lao động còn chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc khai báo tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi các cơ quan chức năng phát hiện người lao động có việc làm phải tiến hành các thủ tục chấm dứt và thu hồi nên phát sinh thêm khối lượng công việc và thủ tục thu hồi.

Phan Minh

Tin liên quan:

Nghệ An: Hơn 3.000 lao động nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, từ đầu năm 2017 tới nay, tỉnh đã giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 3.000 lao động.

Không chỉ hỗ trợ kinh phí, người thất nghiệp còn được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề chuyển đổi nghề nghiệp. Chỉ riêng trong tháng 3 qua, Nghệ An đã có 1.249 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó: 866 người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng, 10 người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 97 người tạm dừng trợ cấp thất nghiệp…Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm cũng tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 1.200 lao động. Nhận định về quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho biết: “Có một số người lao động sẵn sàng thực hiện việc tiếp cận công việc mới. Nhưng còn một số người lao động có tâm lý chờ đợi, kén chọn công việc mới. Do đó, quá trình tạo việc làm cũng còn có một số khó khăn”. Về công tác dạy nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết nhu cầu học nghề của người lao động còn ít. Nguyên nhân bởi họ đã quen làm việc ở nơi cũ với đặc thù công việc mới. Do đó, việc học nghề mới cũng không thể triển khai nhanh và đại trà được.

V.L

Đối tượng nào bắt buộc đóng BHTN

Ông Nguyễn Văn Hào ở Hà Nội hỏi, theo quy định hiện nay thì những đối tượng nào bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1, 2 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động nêu trên thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động giao kết và đang thực hiện một trong các loại hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nêu trên nhưng đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm thì người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm.

T.V.N